Thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới để tiến kịp với công nghiệp 4.0

2021-11-10 13:30:00

Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...

Hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải xác định mô hình, con đường để phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp là nhận định chung của các nhà quản lý và các chuyên gia tại hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, tổ chức sáng 09/11/2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây là hội thảo mở đầu cho chuỗi 10 hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021, với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” được tổ chức từ ngày 09/11 - 06/12/2021.

DOANH NGHIỆP VIỆT VẪN ĐỨNG NGOÀI CÔNG NGHIỆP 4.0

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, qua 35 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên.

TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.

TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.

Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới.

Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019), phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TS Nguyễn Đức Hiển cũng chỉ ra những hạn chế trong phát triển công nghiệp của Việt Nam. Đó là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm; năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Nhận thức về phát triển nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa đầy đủ...

Với vai trò là cơ quan nhà nước quản lý các ngành công nghiệp, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, qua 35 năm kiên trì thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo.

Cụ thể, công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thẳng Hải cũng thẳng thắn thừa nhận, ngành công nghiệp Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều đầu tư vào sản xuất, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài.

Hơn nữa, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế. Theo khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.

Lý giải về nguyên nhân, Thứ trưởng Đỗ Thẳng Hải cho rằng trước hết là do thiếu khung pháp lý, cơ chế chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ và hấp dẫn để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, lớn mạnh để trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Tiếp đến là thiếu tính liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường thế giới để có thể tận dụng cơ hội tiếp cận chuyển giao công nghệ, tiếp cận với các phương pháp quản trị sản xuất hiện đại, hiệu quả.

XÁC ĐỊNH CON ĐƯỜNG VÀ CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP

Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

“Mục tiêu đặt ra cho năm 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, để trong vòng 5 năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, để thực hiện được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ then chốt được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần nhận diện được bối cảnh và các xu thế lớn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại ngày nay để có những tư duy và tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam, nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp.

Thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn, đạt được các mục tiêu đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII.

“Việt Nam còn nhiều hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, do đó cần xác định được mô hình, con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lựa chọn chính sách cho phù hợp”, TS Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Việt Nam phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với một tư duy mới và cách tiếp cận mới. Đó là chuyển đổi tư duy phát triển từ phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, phục vụ cho nền công nghiệp nước nhà

Cùng với đó, phải chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu nhưng cũng phải phù hợp với hiện trạng phát triển và nền tảng công nghiệp trong nước.

Định hướng chiến lược phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực cho phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp.

Thứ hai, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước; nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.

Thứ ba , hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu doanh nghiệp công nghiệp trong nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp công nghiệp hướng đến mô hình nhà máy thông minh, phát triển doanh nghiệp công nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.