Tham vấn doanh nghiệp khi xây dựng văn bản pháp luật

2022-11-19 15:16:00

Theo chuyên gia, trong quá trình xây dựng pháp luật, cần tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động, nhất là người dân, doanh nghiệp...

>> Cần gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư kém chắt lượng

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ , quá trình soạn thảo văn bản pháp luật cần nâng cao tính minh bạch, quy trình lấy ý kiến Dự thảo cần được đổi mới theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Tiếp tục đổi mới quy trình tham vấn, lấy ý kiến theo hướng thực chất và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.

Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật thời gian qua được ghi nhận đã có nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh minh họa: CL

Thực tế, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đã có nhiều bước tiến đổi mới và đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước. Hệ thống quy định pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ luôn xác định việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn vừa qua.

Thống kê cho thấy, trong một số năm trở lại đây, Nhà nước đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật kinh doanh có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn.

Đặc biệt, các luật lớn có vai trò quan trọng trong khuôn khổ pháp lý doanh nghiệp như: Luật Đầu tư (2014, 2020), Luật Doanh nghiệp (2014, 2020), Bộ luật Dân sự 2015 thể hiện tư duy cải cách, đột phá mạnh mẽ, tạo tiền đề cho các văn bản pháp luật liên quan “tiếp bước”. Hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thực hiện liên tục, có những đợt lớn như năm 2016, 2018, 2020 yêu cầu cắt giảm đến 50%, 20% điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã nêu, công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật vẫn còn đó những tồn tại, bất cập.

Chẳng hạn, liên quan đến những bất cập trong hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở, bất động sản, xây dựng, sử dụng đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, hiện nay đang có 14 nhóm bất cập phát sinh do các quy định từ Luật, Nghị định đến Thông tư.

Theo Chủ tịch VACC, những liệt kê này chỉ là vài ví dụ.

“Muốn kêu gọi doanh nghiệp FDI, muốn phục hồi kinh tế tư nhân, để Việt Nam tăng trưởng thì đầu tiên cần môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch. Nhưng hệ thống văn bản pháp lý của ta hiện nay vô cùng rắc rối. Vừa rồi, hai Phó thủ tướng đã có cuộc làm việc với các doanh nghiệp bất động sản phía Nam và phía Bắc, vì lĩnh vực này đang đóng góp 12% GDP của đất nước đang ách tắc, mà nguyên nhân số một là vướng mắc về pháp lý”, ông Hiệp bày tỏ.

>> Lo ngại tình trạng chất lượng thông tư kém “cản đường” doanh nghiệp

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật được cho vẫn còn những tồn tại, bất cập - Ảnh minh họa: BCM

Cũng theo Chủ tịch VACC, điều lo ngại nhất là bao lâu nay nguyên nhân vẫn thế, song lại chưa thể giải được. Khi thống kê những văn bản luật tác động đến bất động sản, các doanh nghiệp đếm được 12 Luật, nhưng 12 Luật này không luật nào đồng thuận với luật nào.

“Doanh nghiệp tuân theo Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, tuân theo Luật Xây dựng thì vướng Luật Quy hoạch... Kể cả các văn bản luật có cùng cơ quan chủ trì soạn thảo cũng không thống nhất được với nhau”, ông Hiệp thẳng thắn.

Nêu quy định về thời hạn bảo hành của chủ đầu tư, ông Hiệp cho rằng, Luật Nhà ở quy định 60 tháng với nhà chung cư, Luật Xây dựng lại quy định thời hạn bảo hành đối với công trình cấp đặc biệt và cấp 1 chỉ tối đa là 24 tháng.

“Hai văn bản luật này đều do Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo, tôi đã chất vấn Bộ Xây dựng, nhưng không ai trả lời được”, ông Hiệp chia sẻ.

Đáng nói, một vấn đề lớn khác trong quy trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hiện nay là một số văn bản được ban hành chưa đảm bảo lợi ích chung tốt nhất của Nhà nước. Vẫn còn hiện tượng một số bộ, ngành đang chú trọng quá góc nhìn quản lý của mình, chưa có sự tiếp thu ý kiến góp ý, chưa vì lợi ích chung của quy định đối với cả nền kinh tế…

Điển hình như các Thông tư liên quan đến nhập khẩu thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) như Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018 quy định về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, là 2 thông tư quy định kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho nhóm sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm; thế nhưng quy định này không theo cơ chế và phương thức quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Mặc dù cho đến hiện nay đã có Thông tư thay thế, sửa đổi, thế nhưng, đây có thể coi là ví dụ điển hình khi hơn 10 năm ròng rã, cộng đồng doanh nghiệp liên tục kiến nghị, đề xuất về các vướng mắc nhưng mãi đến năm 2022, những tồn tại, bất cập mới được xử lý.

Và trước thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách cần được thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần nâng cao tính minh bạch. Đổi mới quy trình lấy ý kiến Dự thảo, thay vì đăng tải toàn văn Dự thảo, Tờ trình Dự thảo, cần có thêm các phân tích, diễn giải về sự thay đổi, về từng nhóm vấn đề.

Cần phải đăng tải đầy đủ các bản giải trình tiếp thu ý kiến từ cộng đồng của ban soạn thảo. Đặc biệt, cần hạn chế thấp nhất việc ban hành văn bản pháp luật theo quy trình rút gọn vì sẽ hạn chế doanh nghiệp và người dân không có cơ hội tham gia ý kiến.

Theo bà Chu Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), để khắc phục những hạn chế, các cơ quan Nhà nước cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản, coi đây là khâu quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật. Tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động, nhất là tham vấn người dân, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của văn bản.

“Có vậy, mới đưa hơi thở của cuộc sống vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, bà Hoa bày tỏ.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.