Thách thức lớn với quy hoạch KCN trục cao tốc phía Đông

2023-08-29 14:01:47

Dự kiến giai đoạn 2021-2030, tổng số khu công nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh thành phố trục cao tốc phía Đông là 139 khu, tăng thêm 60 khu. Đây sẽ là thách thức lớn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch.

Theo TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển khu công nghiệp tại 4 tỉnh, thành phố trục cao tốc phía Đông còn bộc lộ một số tồn tại như: Mặc dù là vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước tốc độ phát triển các khu công nghiệp còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều khu công nghiệp còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài khu công nghiệp còn hạn chế.

Phần lớn các khu công nghiệp đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Ngành sản xuất công nghiệp tập trung thu hút, quốc gia thu hút khá giống nhau dẫn giảm sức hút, sức cạnh tranh.

KCN An Phát (Hải Dương)

Hiện, Hưng Yên có 17 khu công nghiệp theo quy hoạch, tổng diện tích gần 4.500ha. Trong đó, có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 2 khu công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị tiếp nhận đầu tư và 6 khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai.

Với 11 khu công nghiệp hiện hữu, 6 khu công nghiệp mới triển khai năm 2021, Hải Dương đang sở hữu nguồn cung lớn và sẵn sàng cho các dự án đầu tư với quy mô đa dạng. Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ quy hoạch 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích đất trên 10.000 ha, trong đó có gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị dịch vụ và logistics. Đây sẽ là thế mạnh của Hải Dương trên thị trường bất động sản khu công nghiệp trong nước.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố có một Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với diện tích 22.540ha và 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.000ha, gồm 9 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế.

Theo đánh giá sơ bộ, trừ diện tích các khu công nghiệp chưa giải phóng mặt bằng, đang triển khai, chưa thu hút đầu tư, thì việc lấp đầy diện tích đã đạt tới 94%... Việc mở rộng, phát triển mới các khu công nghiệp đang được TP Hải Phòng tập trung quyết liệt.

Tỉnh Quảng Ninh đang có 16 khu công nghiệp, bao gồm các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, các khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng và các khu công nghiệp đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Tổng diện tích của 16 khu công nghiệp là 12.886,8 ha nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự kiến giai đoạn 2021-2030, tổng số khu công nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh thành phố là 139 khu, tăng thêm 60 khu. Tổng diện tích các khu công nghiệp là 59.441ha, tăng thêm 23.930ha, tức là tăng gần gấp đôi. Hiện trạng các khu công nghiệp đang được đưa vào khai thác thực tế là 15.913ha với tỷ lệ lấp đầy là 50,45%, tức là diện tích khu công nghiệp thực sự đưa vào sản xuất là 8.028ha.

TS Đặng Việt Dũng cho rằng, đây sẽ là một thách thức lớn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó nguồn lao động và các điều kiện hạ tầng cũng cần được xác định cụ thể để góp phần tăng hiệu quả đầu tư cho các khu công nghiệp.

Sẽ là một thách thức lớn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai.

Để góp phần thiết lập cơ chế vận hành, điều phối và liên kết hợp tác hiệu quả giữa các KCN trên trục cao tốc phía đông, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng) cho rằng, cần thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng KCN và giao VCCI giữ vai trò điều phối hoạt động kết nối. Cùng với đó, ông Điệp cũng đề xuất 3 định hướng tăng tính liên kết hợp tác hiệu quả giữa các KCN trong hành lang kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Đầu tiên, nên thiết lập kênh hệ thống logistics cho các KCN khi tham gia vào Hội. Việc tạo ra một hệ thống logistics đồng nhất và hiệu quả sẽ phần nào tiết kiệm được chi phí logistics, tận dụng được chi phí vận chuyển đảm bảo sự liên kết liên tục và suôn sẻ giữa các KCN, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động và cạnh tranh của toàn bộ khu vực.

Hội có thể hợp tác với các đơn vị vận tải và các công ty logistics để xây dựng một hệ thống vận tải liên kết cho các KCN, đồng thời tối ưu hóa quy trình logistics về xây dựng và quản lý các cơ sở vận tải, đảm bảo sự kết nối giữa các KCN thông qua các loại hình giao thông và cung cấp các dịch vụ vận chuyển đa phương thức để đáp ứng đa dạng nhu cầu của các doanh nghiệp trong KCN hướng tới giảm chi phí logistics góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản công nghiệp.

Cần hướng tới xây dựng một mạng lưới liên kết đa chiều, bao gồm các KCN, các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức đối tác khác. Mạng lưới này sẽ tạo cơ hội cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các giải pháp thành công trong phát triển KCN. Thường niên tổ chức các sự kiện, hội thảo và diễn đàn chuyên đề về quản lý KCN, phát triển công nghiệp 4.0, công nghệ và chuyển đổi số, xử lý môi trường và năng lượng, các xu hướng mới trong ngành công nghiệp.

Đây sẽ là cơ hội để các thành viên trong mạng lưới cùng nhau học hỏi và tiếp cận với các thông tin mới nhất, những phương pháp tiên tiến nhất. Ngoài ra, Hội có thể thúc đẩy việc thiết lập các liên kết hợp tác giữa các KCN, khuyến khích sự kết hợp giữa các KCN có cùng ngành hoặc các mô hình hợp tác công nghiệp đặc biệt. Hội có thể sử dụng các công nghệ số và nền tảng trực tuyến để tạo một mạng lưới liên kết mở rộng, cho phép các thành viên tham gia truy cập thông tin và tài nguyên, tham gia vào diễn đàn trực tuyến, tạo ra các hoạt động hợp tác từ xa.

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp