Theo các chuyên gia, mặc dù kinh tế tư nhân của Việt Nam đang từng bước lớn mạnh, song vẫn chưa thể vượt qua cái “bóng” khổng lồ của khối các doanh nghiệp FDI. Điều này đã dẫn đến hiện tượng, các doanh nghiệp “nội” đang thua ngay chính sân nhà.
Trước thực tế này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, khối kinh tế tư nhân đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, cùng các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, có rất nhiều chính sách rất mạnh hỗ trợ khối các doanh nghiệp FDI, thì doanh nghiệp tư nhân lại không có. Vì vậy, trong thời gian tới các chính sách hỗ trợ cần phải có công bằng, không phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI.
Để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, theo TS Nguyễn Thị Luyến - Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), trước mắt cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động; kết nối lao động; đảm bảo điều kiện để sống chung với dịch; tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trong trung và dài hạn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp FDI;...
Đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; khuyến khích, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; thực hiện đào tạo, đào tạo lại để người lao động thích ứng với bối cảnh mới.
Đối với bản thân các chủ thể khu vực kinh tế tư nhân, để tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những hạn chế, cần chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô để đảm đủ lớn về quy mô, đáp ứng yêu cầu chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt.
Các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau, tập hợp các doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng chia sẻ cơ hội, khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định như thiên tai, dịch bệnh.
PGS.TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, những giải pháp này không hề mới, đã được nhắc đi nhắc lại hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề vừa qua là cơ hội quan trọng để chúng ta buộc phải nhìn lại, phải thay đổi, xử lý tận gốc những vấn đề tồn tại lâu nay. Từ đó, doanh nghiệp tư nhân có cơ hội vươn lên, mang lại sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nên phân biệt rõ những việc gì Nhà nước cần hỗ trợ nên hỗ trợ, việc gì nên để doanh nghiệp tư nhân tự lực, thị trường điều hướng, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.