Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.
>> Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, ngày 18/9.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính. Ảnh: Thanh Xuân
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, để giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát thì cần thực hiện tốt một số biện pháp.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Đây sẽ là yếu tố tiên quyết cho khả năng tăng trưởng và ổn định kinh tế năm 2022.
Thứ hai, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý II năm 2022 đã tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021.
Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.
Thứ ba, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI).
Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm. Cung tiền trong thời gian qua đang tăng, tín dụng 8 tháng đầu năm 2022 tăng 9,5%. Khả năng tăng tốc độ luân chuyển của đồng tiền khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là một thực tế cần được tính toán khi xem xét khả năng tăng cao của lạm phát.
Thứ tư, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.
Thứ năm, Tổng cục quản lý thị trường Bộ Công thương và Cục quản lý giá Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.
Thời gian qua, giá xăng dầu đã giảm hơn 25%, nhưng giá nhiều mặt hàng chưa giảm, thậm chí tăng cao. Cần sớm có các biện pháp ổn định để đưa giá các mặt hàng về đúng vị trí. Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.
>> Dòng vốn FDI công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
>> Đường vành đai 3 – cú hích cho kinh tế, bất động sản TP.HCM
>> Nền kinh tế chuyển biến từ các gói hỗ trợ
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh; Nguyễn Việt
Thứ sáu, giá dịch vụ giáo dục sau thời gian tạm ngưng do dịch bệnh, cần thực hiện tăng theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ tại một số địa phương vào đầu năm học 2022-2023 cũng góp phần làm tăng chỉ số CPI.
Đặc biệt cần lưu ý việc triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm tăng các chi phí dịch vụ công. Nhiều trường đại học đang xem xét việc tăng chi phí trong năm học mới cũng là nhân tố có thể đẩy tăng lạm phát.
Thứ bảy, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế.
Cần làm cho các doanh nghiệp và người dân hiểu rằng nếu cứ cố giữ giá hàng hóa cao sẽ tạo nên chi phí đầu vào cho sản xuất cao, tạo vòng xoáy tăng giá và lạm phát cao sẽ bào mòn thu nhập thực tế của doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan và có chế tài xử lý nghiêm khắc để các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành phải được các DN và các tầng lớp dân cư thực thi một cách toàn diện và nghiêm túc.
Thứ tám, kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...