Tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô

2022-10-06 08:18:00

Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách.

>> Cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất

Mức tăng GDP quý 3/2022 lên tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Quốc Tuấn

Từ những kết quả kinh tế - xã hội hồi phục khá ấn tượng sau dịch COVID-19, nền kinh tế tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm tới.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa kỳ vọng ấy, đặt trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng có nhiều biến động khó lường, dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều, Việt Nam được đánh giá sẽ đối mặt không ít khó khăn, thách thức.

Mới đây, Tổng cục Thống kê vừa công bố mức tăng GDP quý 3/2022 lên tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước và GDP 9 tháng lên tới 8,83% với lưu ý rằng, mức tăng trưởng này phần lớn do xuất phát từ thấp điểm, sau khi thực hiện các biện pháp phong tỏa khiến kinh tế bị suy giảm vào năm ngoái.

Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, quay lại hoạt động nhưng cũng có 112.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Một con số khác, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2022 cho thấy, có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý 2; 36% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất - kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn..v..v.

Để đạt được những con số đáng mừng nói trên, không thể không nói đến một số yếu tố khách quan, như: Việt Nam là nước được hưởng nhiều lợi ích từ cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong cạnh tranh về nguồn vốn FDI.

>> Doanh nghiệp “khát” vốn để phục hồi sản xuất

>> Thủ tướng chỉ đạo hàng loạt bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

>> Dệt may lo thiếu nhân lực để phục hồi sản xuất

Việt Nam và các nước đang đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Trung Quốc đã có thái độ ít thân thiện hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính sách Zero COVID của Trung Quốc càng khiến các doanh nghiệp phải đau đầu, khiến họ bắt đầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn.

Được hưởng lợi khi các công ty lớn chuyển sản xuất, Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh hỗ trợ và thành công trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của COVID-19 để thu hút nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Foxcon – nhà sản xuất điện tử nổi tiếng đã tuyên bố sẽ đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam. Hay Google cũng thông báo rằng họ có kế hoạch chuyển một nửa sản lượng điện thoại Pixel sang Việt Nam, trong khi Microsoft đã sử dụng Việt Nam cho một số sản xuất Xbox…

Liên quan đến vấn đề này, như bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói: “Các hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng qua dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả”.

Từ đó cho thấy với chiến lược đúng đắn cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, giới chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đặc biệt lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo các nhà hoạch định chính sách, ở Việt Nam và các nước đang đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Song song, vẫn còn những băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng tăng trưởng.

Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn ở mức thấp. Hiệu quả sử dụng nguồn lực khu vực công còn bất cập, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng còn chậm, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn.

Mặt khác, việc tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại vẫn là thách thức lớn khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mặc dù thời gian đàm phán và phê chuẩn không ngắn, song những rà soát, chuẩn bị về một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm…v..v.

Dù rằng, trong suốt thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, phần nào cho thấy sự sát sao, sốt sắng và quyết tâm của Chính phủ trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tập trung cải cách môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thế nhưng, với những khó khăn thách thức trên, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho cải cách. Trong đó, phải xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những bất ổn từ bên ngoài, quản lý dòng vốn nước ngoài không cho vào quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá cần thận trọng, linh hoạt hơn.

Đồng thời, cần tiếp tục cải cách nền tảng kinh tế vi mô thông qua ban hành kịp thời các hướng dẫn thi hành luật, tránh nợ đọng; cải thiện môi trường kinh doanh, tư duy mở hơn với các vấn đề mới như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số.

Muốn vậy, chúng ta vẫn cần khắc phục triệt để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, tăng cường trách nhiệm, sự nhận thức của các cấp cơ sở để triển khai, thực thi các giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả nhất.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.