Sớm cắt bỏ, giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp

2021-06-11 07:36:04

Trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phản ánh họ đang bị gánh nặng thêm một số chi phí không cần thiết mà lẽ ra nên giảm, thậm chí cắt bỏ. Họ cho rằng, những lúc khó khăn do dịch COVID-19 phải giảm thiểu các chi phí không cần thiết.
Gánh nặng chi phí

Bắt đầu từ ngày 1.7.2021, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mở tờ khai hải quan ngoài TPHCM sẽ phải trả phí gấp đôi khi sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình cảng biển của TPHCM…

Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngoài TPHCM đã bức xúc về mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển gấp đôi so với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TPHCM. Trong đó, Hội Xuất Nhập Khẩu tỉnh Bình Dương (ABEI) đã có kiến nghị gửi UBND TPHCM về vấn đề này.

Chủ tịch ABEI ông Phạm Văn Xô cho biết, việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển là để tạo nguồn thu cho ngân sách, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu cảng biển tại TPHCM. Tuy nhiên, Nghị quyết số 10 có những điểm chưa phù hợp, gây ra sự bất bình đẳng cho đối tượng nộp phí, khi có sự chênh lệch 100% về mức nộp phí giữa doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TPHCM và doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TPHCM. Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa TPHCM và các tỉnh lân cận.

Cụ thể, hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu mở tờ khai ngoài TPHCM sẽ áp dụng mức thu 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1.000.000 đồng/cont đối với container 40ft; và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng container.

Hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu mở tờ khai tại TPHCM áp dụng mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont đối với container 40ft; và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng container.

Trong công văn vừa gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo các nhóm ý kiến lớn tổng hợp từ phản ánh của hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong 2, tháng 4 và tháng 5.2021, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã nhắc tới những kiến nghị đã gửi từ nhiều tháng nay.

Trong đó, quyết định thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM và yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt camera có chức năng tổng hợp và truyền tải dữ liệu cho cơ quan quản lý... được dành phần ưu tiên.

Lùi, bỏ những chi phí không cần thiết

Cũng liên quan đến một số loại chi phí, trao đổi với Lao Động, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - ông Bùi Danh Liên cho rằng, hiện nay khi dịch COVID-19 đang phức tạp thì việc cắt bỏ, giảm bớt các chi phí không cần thiết là điều nên làm. Đối với các doanh nghiệp vận tải, trước hết các khoản chi phí cố định, chi phí thường xuyên nên lùi lại, giảm hoặc xóa bớt cho ngành vận tải đỡ khó khăn.

“Xem xét lại những chi phí gì thường xuyên mà chưa sử dụng đến trong vận tải thì nên giảm hoặc những cái gì mới quy định trong những Nghị định, quy định mà chưa cần thực hiện thì nên giảm, hoặc bỏ”, ông Liên nói và đưa ra ví dụ như có một xe ôtô đi đăng ký thì có rất nhiều loại chi phí.

Cụ thể như kiểm định, mà kiểm định thì có thời hạn từ 6 tháng, 1 năm hay 2 năm. Các chi phí đó phải đóng luôn chứ không phải chi phí thường xuyên, nhưng mà thành chi phí thường xuyên của tài sản đó. Tức chi phí không sử dụng nhưng vẫn phải đóng cố định. Từ đó, theo ông Liên những chi phí đó nên cắt giảm bớt.

Theo ông Liên, quy định 6 tháng khám một lần thì bây giờ có thể lùi 12 tháng một lần để giảm chi phí. Ngoài ra phí cầu đường để bảo đảm an toàn cầu đường có quy định một năm đóng bao nhiêu. Bây giờ xe không chạy thì một năm nên đóng bao nhiêu, giảm bao nhiêu. Hay như phí BOT…

Chia sẻ với PV, một chủ doanh nghiệp vận tải cho rằng, hiện nay chi phí để lắp đặt camera vận hành trên ôtô cũng đang có nhiều ý kiến phản hồi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc lắp đặt này là rất có lợi nhưng điều kiện hiện nay chi phí lớn nên doanh nghiệp nào mà nhiều xe thì phải mất rất nhiều chi phí để mua và lắp đặt.

“Các doanh nghiệp kiến nghị rằng cần phải xem xét lùi lại một thời điểm thích hợp hơn”, vị này nói.

Cũng theo vị này, hiện nay việc bổ sung chính sách mới như đổi biển trắng thành biển vàng. Khi đổi phải mất chi phí, mỗi biển 150.000 đồng. Một số nước cũng đã làm nhưng việc đổi biển không hề mất một đồng nào. Trong khi đó, ở Việt Nam khi đã cấp biển rồi, nhưng nếu muốn đi đổi biển lại mất thêm tiền. Như vậy, doanh nghiệp lại mất thêm chi phí.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn, doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này. Vì vậy, chưa phù hợp trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có văn bản góp ý về dự thảo báo cáo và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, VCCI đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cân nhắc phương án lùi thời hạn bắt buộc phải lắp camera theo quy định, từ ngày 1.7.2021 sang 1.7.2022.

Theo CAO NGUYÊN(Báo Lao động)