Kinh doanh song hành cùng lợi ích xã hội
Bản chất của kinh doanh về cốt lõi vẫn là hoạt động mua bán, cung ứng hàng hoá/dịch vụ nhằm mang về lợi nhuận dựa trên thước đo tiền tệ. Shark Liên chưa từng một lần khẳng định bản thân không cần lợi nhuận. Nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường, bà rõ hơn ai hết, mọi doanh nghiệp gặp vấn đề về tài chính, doanh thu sẽ không thể phát triển một cách mạnh mẽ hoặc tệ hơn là phá sản.
Shark Liên cho rằng, làm doanh nhân phải luôn chuẩn bị tâm thế như người đi trên dây– bình tĩnh giữ
thăng bằng trước nhiều sự tác động.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bà ủng hộ các doanh nghiệp bất chấp để kiếm tiền. Với bà, trách nhiệm của một người làm chủ doanh nghiệp là phải đặt việc kiếm tiền và việc tạo ra giá trị tích cực tương ứng cho cộng đồng, xã hội ở mức độ quan trọng ngang nhau. Càng muốn kiếm nhiều tiền thì càng không được phép quên trách nhiệm mình mang trên vai. Đó mới là “tinh thần doanh nhân” thực thụ.
Lấy ngành nước sạch làm dẫn chứng, Shark Liên cho biết, dân số thế giới ngày một gia tăng, chất lượng nguồn nước ngày càng đi xuống. Khi chất lượng nguồn nước suy giảm, ngành nước sạch là ngành có tiềm năng. Nhưng song song với tiềm năng lớn, người dấn thân vào ngành nước sạch phải làm mọi cách để các nhà máy nước mình xây dựng sao cho chất lượng và mang đến nhiều giá trị vững bền nhất. Từ công nghệ tiên tiến, cho tới quy trình khép kín tự động hoá,… mỗi giọt nước sạch được tạo ra, đều chỉ làm cuộc sống tốt lên chứ không xấu đi.
“Kinh doanh nước sạch là kinh doanh trên sức khoẻ cộng đồng, người làm ngành nước phải thật thận trọng để đem đến những gì tương xứng nhất cho người dân. Để một mai, ngay cả khi người đó không còn, nhà máy vẫn sẽ hoạt động như là một di sản để lại cho thế hệ mai sau” – Shark Liên chia sẻ.
Không chỉ riêng nước sạch, ngành nghề nào cũng có những cách khác nhau để có thể vừa kiếm tiền, vừa đem đến những điều tích cực góp phần cho sự phát triển của đất nước như bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống người dân, phổ quát giáo dục,…
“K inh doanh thì phải chính xác đến từng con số, mỗi đồng vốn bỏ ra đều phải mang lại những lợi ích cũng như hiệu quả nhất định , là một doanh nhân, tôi hiểu điều đó nhưng đồng thời cũng nắm rõ - mục đích cuối cùng của việc làm kinh doanh, không phải là để cá nhân mình giàu thêm mà là góp phần giúp đất nước phát triển. C huyện đó chỉ xảy ra khi và chỉ khi doanh nghiệp không quên đi việc kiếm tiền song hành cùng với lợi ích xã hội” , Shark Liên chia sẻ thêm.
Thành doanh nhân thì dễ, làm doanh nhân mới khó
Người ta hay bảo, chỉ cần “thiên thời địa lợi” thì ai cũng có thể trở thành doanh nhân. Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi may mắn trở thành doanh nhân là một chuyện, còn thực thụ làm một người doanh nhân lại là chuyện khác. Biết bao người sau một vài đêm trở thành doanh nhân, nhưng tiếp theo đó, nếu không biết lãnh đạo, không có khối óc tư duy, không thể chịu những gì mà người làm doanh nhân phải chịu thì đời doanh nhân sẽ kết thúc ngắn như kiếp phù du.
Shark Liên đã nhận về không ít ý kiến trái chiều liên quan đến
chương trình “Gói tình Shark Liên – Gửi nghĩa đồng bào”
Bà cho rằng, làm doanh nhân phải luôn chuẩn bị tâm thế như người đi trên dây, bình tĩnh giữ thăng bằng trước nhiều sự tác động. Chỉ những người bản lĩnh nhất mới có thể làm doanh nhân và “làm chủ cuộc chơi”. Bỏ qua các yếu tố về rủi ro, biến động thị trường, sự tác động mà Shark Liên muốn nói ở đây, đôi khi đến từ sự đánh giá khắt khe của công chúng.
Ở thời điểm hiện tại, trong một kỷ nguyên mà công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, mạng xã hội đang chiếm ưu thế trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin; người ta quá dễ dàng để quan sát, thậm chí soi xét những người xung quanh chỉ bằng những thứ nhìn thấy được qua màn hình của chiếc điện thoại thông minh. Người làm doanh nhân nói riêng và đại đa số chúng ta có thể bị đánh giá bất cứ lúc nào.
Không ít lần nhận về những khen chê từ phía dư luận, Shark Liên bộc bạch: “Ngành nghề, công việc nào cũng có riêng cho mình những sứ mệnh nhất định, doanh nhân không nằm ngoài số đó. Hơn ai hết, bản thân chúng tôi hiểu rõ mình đang làm gì, cần phải làm gì. Đừng đánh giá chúng tôi chỉ bằng một vài thông tin được chia sẻ từ đâu đó mà hãy nhìn nhận một cách công tâm những thứ chúng tôi đã làm được. Sự phê phán của người ngoài cuộc không làm chúng tôi chùn bước, nhưng nó sẽ làm nguội đi ngọn lửa nhiệt huyết chúng tôi đang truyền cho thế hệ trẻ”.
Shark Liên nhận định, đất nước nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng đang cần một sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để có thể phát triển bền vững, đó là lý do Chính phủ luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến lên. Thế nhưng, doanh nghiệp ngày nay đang gặp phải rào cản rất lớn đến từ sự quan tâm “tiêu cực” thái quá của một bộ phận. Họ dùng cái nhìn đánh giá khắt khe và thiếu khách quan đẩy không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ đến bờ vực “lụi tàn”.
“Xin đừng nói chúng tôi là người đi buôn chuyển sang làm thiện nguyện vì mục đích nào đó. Việc thiện nguyện của chúng tôi chỉ như phần nổi của tảng băng trôi. "Bên dưới mặt nước", hàng nghìn doanh nghiệp và doanh nhân vẫn miệt mài tạo nên công ăn việc làm cho hàng triệu lao động ; hàng nghìn doanh nghiệp đã và đang nỗ lực giúp hàng triệu người dân Việt Nam cải thiện chất lượng sống;... Đó có thể được xem như những mầm thiện, những việc tử tế giúp đất nước ngày càng phát triển dựa trên tinh thần và trách nhiệm của chúng tôi – những người làm doanh nhân ”, Shark Liên bày tỏ.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Shark Liên cũng có riêng đôi lời gửi đến các bạn trẻ: “ Đừng để những yếu tố ngoại cảnh gây nhiễu và khiến các bạn mất tập trung. Hãy cứ dấn thân và tiến về phía trước. Làm doanh nhân tuy dễ mà khó nhưng chỉ cần các bạn biết mình là ai, biết mình muốn gì, có nhiệt huyết cháy bỏng, có t rái tim ấm nóng cùng một cái đầu lạnh và tầm nhìn hướng đến mục tiêu phụng sự, góp sức cho sự phát triển vững mạnh của đất nước , thì tôi chắc chắn, các bạn sẽ thành công . Chúng tôi làm được, các bạn cũng sẽ làm được”.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp