Tham vọng dẫn đầu của Samsung
Theo giới thạo tin cho biết, công ty lớn nhất Hàn Quốc đã quyết định thành lập một nhà máy ở thành phố Taylor, cách trung tâm sản xuất khổng lồ hiện tại của họ ở Austin khoảng 30 km. Các quan chức của Samsung và Texas đã công bố quyết định vào chiều thứ Ba vừa qua.
Nhà máy mới này sẽ tăng cường sự hiện diện vốn đã khá lớn của Samsung tại Austin, nơi công ty đã đầu tư khoảng 17 tỷ USD cho đến nay vào một khu phức hợp rộng lớn có hơn 3.000 nhân viên và chế tạo một số chip tinh vi nhất. Giờ đây, họ tiếp tục có kế hoạch đầu tư thêm 17 tỷ USD và tạo ra khoảng 1.800 việc làm trong 10 năm đầu tiên, theo các tài liệu mà công ty đã đệ trình lên các quan chức của Taylor.
Có vẻ như “gã khổng lồ” Hàn Quốc đang tận dụng những nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm chống lại sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc và thu hút một số nền sản xuất tiên tiến mà trong nhiều thập kỷ qua đã bị trôi về châu Á.
Tham vọng đó càng được kết tinh sau khi tình trạng thiếu chip toàn cầu gây khó khăn cho các ngành công nghiệp công nghệ và ô tô, khiến các công ty lớn mất hàng tỷ USD doanh thu và buộc các nhà máy phải tăng thêm công nhân, và cuối cùng là khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước các chuỗi cung ứng đa dạng.
Vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra một nỗ lực sâu rộng để đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng, bao gồm đề xuất 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip trong nước.
Chính quyền Biden cũng đã nhiều lần lên tiếng về sự cần thiết phải tăng cường sản xuất chip ở Mỹ, nói rằng đó là cách tốt nhất để cạnh tranh với Trung Quốc và giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng như trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thực tế thì Samsung đang … sốt ruột
Nhìn chung, Samsung đang bắt đầu tăng tốc các hoạt động đầu tư kể từ khi Phó chủ tịch Lee Jae-yong, người thừa kế đế chế Samsung mãn hạn tù. Họ đã công bố cam kết thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc bằng cách chi 240 nghìn tỷ won (205 tỷ USD) và mở rộng việc tuyển dụng lên 40.000 người trong ba năm tới.
Nhưng trên thực tế thì Samsung đang cảm thấy sốt ruột. Họ đang chịu những áp lực rất lớn từ các kế hoạch chi hàng tỷ USD của TSMC và Intel, hai “gã khổng lồ” trong lĩnh vực chất bán dẫn trên toàn thế giới.
TSMC đang có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Khoản đầu tư này tăng đáng kể so với kế hoạch ban đầu của hãng là 25 - 28 tỷ USD để sản xuất chip tiên tiến năm nay. TSMC đã dự kiến dùng số tiền này để "tăng năng lực hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu, phát triển các công nghệ bán dẫn tiên tiến".
Kém hơn chút là Intel, một tập đoàn trong nhiều thập kỷ đã dẫn đầu về công nghệ sản xuất chip điện toán nhỏ nhất, nhanh nhất. Nhưng gần đây đã để mất vị trí dẫn đầu trước TSMC và Samsung. Mới đây, họ cũng lên kế hoạch, đầu tư hàng tỷ USD , để vạch ra lộ trình mở rộng hoạt động kinh doanh xưởng đúc mới và công nghệ để vượt qua các đối thủ như TSMC và Samsung vào năm 2025.
Với việc xây dựng một nhà máy chip ở thành phố Taylor, Samsung đang hy vọng giành được nhiều khách hàng Mỹ hơn và thu hẹp khoảng cách với TSMC. Có điều họ sẽ phải đối đầu trực tiếp với Intel và TSMC tại Mỹ.
Hồi tháng 9, Intel đã động thổ hai nhà máy chip ở bang Arizona của Mỹ. Hai nhà máy chip mới với số tiền đầu tư lên đến 20 tỷ USD, sẽ được bổ sung vào các cơ sở hiện có của Intel tại bang Arizona. Trước đó, TSMC cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy trị giá 12 tỉ USD ở Phoenix, Arizona vào hồi tháng 6 năm nay. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên của TSMC tại Mỹ trong hai thập kỷ qua.
Rõ ràng, bộ ba những “gã khổng lồ” ngành công nghiệp chip đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu tăng vọt sau đại dịch, khi dự đoán ngày càng nhiều thiết bị kết nối từ ô tô đến gia đình sẽ yêu cầu chip trong tương lai. Liệu cờ sẽ đến tay ai?