Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa thông qua kế hoạch thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ ngày 13/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021, việc thí điểm phục hồi lại vận tải hành khách đường bộ nhằm đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, đối tượng chính áp dụng quy định tạm thời này là hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc.
Trong thời gian thí điểm, Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp vận tải thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.
Cụ thể, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cũng như hành khách đều phải đáp ứng được những quy định rất nghiêm ngặt như: đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).
Còn hành khách, phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô.
Theo các chuyên gia, việc thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô là tin vui đối với các doanh nghiệp vận tải bởi từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, mọi hoạt động của các doanh nghiệp đã phải dừng lại. Chưa kể, việc nối lại hoạt động kinh doanh, sản xuất và từng bước phục hồi sau dịch là nguyện vọng bấy lâu nay của các doanh nghiệp vận tải.
Thế nhưng, trên thực tế, khi kế hoạch thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô được Bộ GTVT đưa ra, nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra không mấy mặn mà, bởi nỗi lo khi trở lại chắc gì đã có khách.
Theo một số doanh nghiệp, có hai lý do khiến hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô quan ngại nếu vận hành vào thời điểm này. Thứ nhất, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng tâm lý của người dân đi lại; Thứ hai, đối tượng hành khách chính của xe khách là người lao động, sinh viên... hiện nhu cầu đi lại vẫn chưa cao.
Chưa kể, những yêu cầu khắt khe đối với hành khách, tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe cũng là một trong những rào cản lớn khiến nhiều người không dám hoặc không thể lựa chọn phương tiện này để đi lại bởi đa phần hành khách lựa chọn phương thức vận tải này đều thuộc nhóm người lao động, học sinh, sinh viên điều kiện kinh tế eo hẹp.
Thông tin với báo chí, Nguyễn Duy Ninh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh cho biết, được chạy lại xe sẽ là cơ hội để phục hồi nhưng để chuẩn bị cho những chiếc xe khách có thể lăn bánh trên đường, cũng phải chuẩn bị một khoản tài chính không nhỏ.
“Bây giờ chúng tôi chỉ có thể vay mượn mới có tiền chi trả cho nhiều khoản chi phí như: bảo dưỡng phương tiện, sát hạch lại tay lái của tài xế, tiền xăng dầu, tiền lương tài xế, nhân viên... Chi ra một khoản không nhỏ từ tiền đi vay mà xe chạy không có khách thì chúng tôi càng chạy sẽ càng... chết”, ông Ninh chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông nhận định, những quy định khắt khe đối với hành khách và đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ trên xe khách mà Bộ GTVT đưa ra là cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bởi hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành vẫn ghi nhận những ca mắc COVID-19 hàng ngày. Vì thế, siết chặt các quy định về điều kiện đi xe khách liên tỉnh là cần thiết để đảm bảo an toàn phòng dịch.
“Thế nhưng, ở chiều ngược lại, những quy định về đảm bảo yêu cầu phòng dịch tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao như phải tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 hay có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ có thể là những rào cản gây khó cho doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô”, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, đây là những điều kiện mà các doanh nghiệp vận tải không dễ để đáp ứng, nhất là quy định về tiêm vắc xin phòng COVID-19 và xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ lái xe và nhân viên nhà xe.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy, hiện nay, nhiều địa phương vẫn ban hành những quy định riêng đối với người từ nơi khác vào địa bàn như yêu cầu cách ly 14 ngày, đây cũng là một trong những rào cản lớn đối với các hoạt động vận tải hành khách nói chung và hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô tuyến cố định nói riêng.
Kể cả khi đi ô tô khách không có những điều kiện về tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hay xét nghiệm COVID-19 thì hành khách cũng sẽ vấp phải đáp ứng những điều kiện phòng, chống dịch khắt khe không kém của các địa phương.
“Để các hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được thuận lợi cần phải có một kế hoạch thống nhất, thực hiện cho tất cả tỉnh, thành trên cả nước”, TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính quán triệt, thống nhất trên toàn quốc về lưu thông và giao thông vận tải (đường thủy, đường bộ, hàng không), có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ. Kiên quyết không để ban hành các giấy phép con, không cát cứ, chia cắt; triển khai thận trọng, an toàn, thực hiện thí điểm theo tuần để điều chỉnh phù hợp và phải tăng cường kiểm tra, giám sát.