Theo đó, nhằm đối phó dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế, xã hội, các nước trên thế giới đã tung ra nhiều gói chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ rất khác nhau về quy mô, tùy vào mức độ diễn biến của dịch bệnh, cũng như khả năng về nguồn lực nhất là chính sách tài khóa , tiền tệ của từng nước.
Thực tế, 2 năm qua, Việt Nam sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ của Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4%, trong đó, gói về tài khóa là khoảng 2,9 %, gói về tiền tệ là khoảng 1,1 %, thấp hơn một chút so mức bình quân trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các gói chính sách tài khóa, tiền tệ đang ngày càng trở nên quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế, để có thể đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể cho doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra chiều 05/12, phân tích tình hình thực trạng ngân sách giai đoạn vừa qua, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022 và 2023 khoảng từ 3,8 - 4% GDP là phù hợp, nếu chưa tính đến chi phí y tế.
“Lý thuyết kinh tế cho thấy tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tới các biến số vĩ mô của nền kinh tế rất phức tạp. Chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ đều được thực hiện dựa trên một số công cụ chính sách nhất định mà mỗi công cụ này có hiệu lực đối với một hoặc một số mục tiêu nhất định. Do vậy, việc phối hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ làm tăng số lượng các công cụ chính sách sẵn có, giúp tăng tính hiệu lực chung của chính sách kinh tế vĩ mô” , PGS.TS Vũ Sỹ Cường chia sẻ.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, những quyết định của chính sách tài khóa đòi hỏi thời gian dài không chỉ trong việc ra quyết định mà còn trong thực thi quyết định, không đáp ứng được yêu cầu xử lý các tình huống nhanh chóng. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ chỉ có thể tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua hành vi của doanh nghiệp và hộ gia đình. Việc kết hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ khắc phục hạn chế về độ trễ của mỗi chính sách, tính linh hoạt, phù hợp với năng lực ngân sách và bảo đảm tính ổn định của mỗi chính sách.
Cũng theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, việc thực hiện chính sách tài khóa cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo, không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn, trong hai năm 2022 và 2023 khoảng 6% GDP (nếu tính cả hỗ trợ về y tế). Bảo đảm hài hòa hai chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình thực hiện, đẩy mạnh khả năng giải ngân, thực hiện hàng loạt giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
“Để giảm lãi suất cho vay, bên cạnh điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, cần thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng, cũng như sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngân hàng có không gian rộng hơn về huy động tín dụng” , PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, do suy giảm tăng trưởng trong năm 2021 có nguyên nhân chính từ y tế (dịch bệnh COVID-19), PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, một yêu cầu quan trọng khác là chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế. Đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.
Cũng tại Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) - Nguyễn Minh Cường cũng cho rằng, các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, ông Cường cho rằng, các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết, gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5-7% GDP. Bên cạnh đó, đầu tư công tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Cùng quan điểm với ông Cường, PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Đại diện Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đánh giá, quy mô các gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với chính các gói hỗ trợ vào những năm trước đó của Việt Nam.
“Do đó, các gói hỗ trợ cần đủ quy mô, cấp thiết kịp thời, nhanh nhạy và quyết liệt, đây là những mục tiêu khó khăn nhưng rất quan trọng để đảm bảo nền tảng ổn định vĩ mô, làm cơ sở cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế trong trung và dài hạn”, PGS. TS Bùi Quang Tuấn nhìn nhận.
Về các giải pháp cơ bản cho phục hồi và phát triển kinh tế, PGS. TS Bùi Quang Tuấn đề xuất, tiếp tục hỗ trợ y tế, doanh nghiệp như giãn, giảm phí, thuế; đẩy mạnh đầu tư công... Đặc biệt, tăng cường chuyển đổi số, đầu tư cải thiện hoàn thiện thể chế đổi mới sáng tạo khoa học, nghiên cứu.