Ngày 11/4/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022…
>> PCI 2022: 18 năm kiên định sứ mệnh “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế”
Theo đó, kết quả bảng xếp hạng PCI 2022 cho thấy, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Đây là năm thứ 6 liên tiếp địa phương này xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính .
Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã vận hành thành công Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp…
Nhờ những nỗ lực này, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực, cụ thể, trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.
Xếp ngay sau Quảng Ninh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số 72,80 điểm. Kết quả này, thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh.
Thực tế, trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tỉnh cũng đã chú trọng nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính quyền về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, chẳng hạn với việc tổ chức liên tục cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” trong năm 2021 và 2022…
Kết quả khảo sát PCI 2022 của Bắc Giang cho thấy, có tới 92% doanh nghiệp trong tỉnh cho biết “các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp” hay 76% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp…
Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về TP. Hải Phòng với điểm số 70,76 điểm. Theo kết quả PCI 2022, 89% doanh nghiệp tại TP. Hải Phòng đánh giá, “UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 92% doanh nghiệp cho biết “các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh”. Đây là những chỉ tiêu mà TP. Hải Phòng thuộc nhóm tốt nhất cả nước.
Được biết, bước sang năm 2023, TP. Hải Phòng bắt đầu triển khai mô hình “kết nối thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”. Mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện tại các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện.
Xếp sau TP. Hải Phòng, Lần đầu tiên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp mặt trong Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011.
Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Tỉnh có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”…
Chẳng hạn, với “Ngày thứ Năm không chờ”, các cơ quan, đơn vị sẽ chọn ra những thủ tục hành chính đơn giản để tập trung giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định pháp luật, nhờ đó giúp người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần làm thủ tục.
Và đứng vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Theo đó, kể từ PCI 2007 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”, Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ doanh nghiệp và doanh nhân.
Chính quyền tỉnh được đánh giá rất cao về tính năng động và tiên phong trong điều hành kinh tế. Với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều cách làm hay thể hiện sự năng động và sáng tạo trong hoạt động cung cấp dịch vụ công, ví dụ như: mô hình “Ngày thứ 7 chứng thực 4.0 và trả kết quả tại nhà” hay “Giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp tại nhà”…
Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên - Huế (thứ sáu), Bắc Ninh (thứ bảy), Vĩnh Phúc (thứ tám), Đà Nẵng (thứ chín) và Long An (mười). Trong đó, ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021.
Được biết, Báo cáo PCI 2022 có sự thay đổi về cách trình bày kết quả chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố so với những năm trước. Theo đó, năm nay Báo cáo PCI chỉ trình bày 30 địa phương có điểm số PCI cao nhất. Sự thay đổi này nhằm khuyến khích sự tập trung và nỗ lực thay đổi của các địa phương để vào nhóm dẫn đầu PCI.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...