Mặc dù xác định cải cách môi trường kinh doanh là trọng tâm, tuy nhiên, nhiều văn bản đang soạn thảo, dự kiến ban hành, thậm chí là vừa ban hành, nỗi lo “rào cản” kinh doanh vẫn tái hiện...
>> Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cải thiện môi trường kinh doanh
Trong cuộc khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) với các doanh nghiệp trong khuôn khổ Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ( PCI ) vừa công bố cuối tháng 4/2022, có tới 47% trong số khoảng 11.000 doanh nghiệp tham gia điều tra cho rằng, các hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện không rõ ràng, đầy đủ; quy trình giải quyết thủ tục không đúng như quy định;...
Chỉ 38,9% doanh nghiệp cho biết, không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 43,4% doanh nghiệp cho biết, thời gian giải quyết thủ tục không kéo dài hơn so với quy định và chỉ có 39,1% doanh nghiệp ghi nhận chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật.
Nỗi lo “rào cản” kinh doanh vẫn tái hiện - Ảnh minh họa
Trước đó, Kết luận phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đầu tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cũng đánh giá, công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và mong muốn của người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về “giấy phép con”… Nguyên nhân chủ quan là xuất phát từ nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, thực hiện của người đứng đầu các cấp hành chính, liên quan tới thể chế, bộ máy, con người và việc vận hành, quy trình, thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2022 phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính , nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện cải cách hành chính, cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đầu tư nguồn lực về tài chính, con người; lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân, cầu thị để đẩy mạnh cải cách hành chính.
Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương, chủ động xử lý, tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, huy động nguồn lực để phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
>> Cải thiện môi trường kinh doanh: Gỡ rào cản từ gốc
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong năm 2022 phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính - Ảnh minh họa
Thực tế, hầu hết các Bộ đã xây dựng phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản pháp luật hiện hành và môi trường kinh doanh cũng đã thuận lợi hơn từ những đề xuất cắt giảm này.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM cho thấy, giai đoạn 2017 - 2021, các Bộ, ngành đã tích cực rà soát và kiến nghị Chính phủ ban hành, sửa đổi, bãi bỏ quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Đã có hơn 3.000 trong số khoảng 5.749 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, đơn giản hóa. Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm đáng kể, từ 267 ngành trong Luật Đầu tư năm 2014, còn 227 ngành trong Luật Đầu tư năm 2020.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, trong những đề xuất cắt giảm của một số Bộ ngành, doanh nghiệp, vẫn nhìn thấy tính hình thức, vẫn còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý, vẫn còn tình trạng văn bản được ban hành tạo ra “rào cản”, gánh nặng cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như việc duy trì, mở rộng các đối tượng, danh mục hàng chế biến phải kiểm dịch tại các Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành cũng như thông lệ quốc tế thế nhưng vẫn tồn tại gây “ám ảnh” cho doanh nghiệp.
Hay như trong năm 2021, cơ quan Nhà nước đã soạn thảo dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ, trong đó đặt ra các yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định.
Theo khảo sát của VCCI, hiện tại chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị. Dự kiến có khoảng 400.000 xe phải lắp. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho thiết bị, tổng chi phí cho số xe phải lắp ước tính khoảng 600 tỷ đồng. Chưa tính các chi phí về đường truyền, nhân sự xử lý thông tin; các chi phí cơ quan Nhà nước phải bỏ ra để thực hiện quản lý.
Trước thực trạng đã nêu, mới đây, trong văn bản gửi CIEM, góp ý Dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Chương trình Hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
VCCI cho rằng, vẫn xuất hiện hiện tượng một số quy định dự kiến ban hành hoặc mới ban hành làm gia tăng chi phí một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Vì vậy, cần phải có cơ chế để kiểm soát hiệu quả hơn chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đang soạn thảo, đồng thời với hoạt động rà soát, kiến nghị các chính sách hiện hành”, VCCI kiến nghị.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...