“Nhảy" việc ồ ạt và không màng lương thưởng, giữ người tài bằng gì?

2022-11-04 09:53:00

Một bộ phận lớn nhân sự trở nên “mong manh dễ vỡ”, kéo theo đó là tình trạng “nhảy" việc nhiều đến mức khiến không ít doanh nghiệp phải đau đầu.

>>> Hình dung lại tương lai công việc từ làn sóng nghỉ việc hàng loạt

Các diễn giả, CEO, quản lý nhân sự đã cùng chung nhận định như vậy về những thay đổi lớn trên thị trường nhân sự sau đại dịch COVID-19.

Nhân sự "nhảy" việc, doanh nghiệp “đau đầu”

Nhấn mạnh những biến đổi lớn sau đại dịch trong tuyển dụng và thu hút nhân sự, ông Trần Trung Hiếu - nhà sáng lập kiêm CEO công ty CP TopCV Việt Nam cho biết: “Cán cân một chiều trong việc tuyển dụng và thu hút nhân tài đang dần biến mất. Thay vào đó, người lao động chủ động và có nhiều tiêu chuẩn hơn trong việc lựa chọn môi trường làm việc của mình. Ở đó, lương thưởng hay phúc lợi cao không còn là mối quan tâm hàng đầu của các ứng viên. Quan trọng hơn cả, để thu hút và giữ chân nhân sự chính là những tiêu chuẩn về văn hoá doanh nghiệp phù hợp, nơi có thể đem lại cho họ lộ trình sự nghiệp rõ ràng, được đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn và chia sẻ, được trao quyền và cơ hội thử thách bản thân”.

Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Trí Thể - Giám đốc giải pháp Học viện quản lý PACE cho rằng, vận hành nhân sự tại các doanh nghiệp đang thay đổi rất nhiều, trong đó có 3 yếu tố chính tác động. Thứ nhất đại dịch COVID - 19 đã khiến cho biến động trên thị trường lao động thay đổi diễn ra nhanh và nhiều. Một bộ phận nhân sự lớn hiện nay đang ở tình trạng khá “mong manh dễ vỡ”, kéo theo đó là tình trạng “nhảy việc” nhiều đến mức không ít doanh nghiệp phải đau đầu.

CEO công ty CP TopCV Trần Trung Hiếu chia sẻ tại diễn đàn

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp đang đau đầu giải quyết khoảng cách thế hệ. Câu chuyện này vốn đã tồn tại trong nhiều năm nay nhưng thế hệ trước về hưu sẽ có thế hệ tiếp nối. Tuy nhiên, hiện nay do bối cảnh quá nhiều thông tin và quá nhanh nên trong môi trường làm việc có 3 thế hệ là chuyện bình thường. Các thế hệ này hiện “va đập” vào nhau khá nhiều và ở những công ty quy mô lớn, số lượng nhân sự đông, lứa tuổi nhân sự trải đều từ 6X, 7X đến 2k (những người sinh từ những năm 1960 đến 2000 có lợi thế về công nghệ) sẽ cảm nhận rõ hơn sự “va đập” này.

Sự “va đập” còn bị tác động bởi phương thức làm việc hiện cũng thay đổi theo hướng linh hoạt (Hybrid Work), giúp người lao động chủ động hơn về thời gian cũng như không gian làm việc, qua đó nâng cao hiệu suất công việc. Phương thức làm việc này được các thế hệ gen Y và gen Z đặc biệt ưa thích. Thế nhưng, thế hệ gen X vốn đã quen với cách thức và lịch trình làm việc truyền thống thì lại xem đây là một rào cản khiến việc kết nối các thế hệ trong cùng một tổ chức, doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

Thứ ba , tiếp cận từ góc nhìn giáo dục để lý giải cho hiện tượng không theo quy luật: nhảy việc nhiều, người lao động thờ ơ với mức lương thưởng cao, ông Vũ Đức Trí Thể - Giám đốc giải pháp Học viện quản lý PACE nhận định đang có tình trạng khủng hoảng hiện sinh xảy đến với một bộ phận nhân sự, nhất là nhân sự trẻ khiến họ có cảm giác bất ổn.

Thu hút và giữ chân nhân sự bằng cách nào?

Trả lời cho câu hỏi này, các ý kiến của người lao động đều khẳng định: những người lãnh đạo công ty, sứ mệnh của doanh nghiệp và môi trường làm việc mà ở đó được coi trọng, được hỗ trợ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để cống hiến và thích nghi với sự thay đổi nhanh của cuộc sống…

Giám đốc giải pháp Học viện quản lý PACE Vũ Đức Trí Thể nhấn mạnh: văn hoá doanh nghiệp là lợi thế cạnh tranh trong thu hút người tài

Giám đốc giải pháp Học viện quản lý PACE Vũ Đức Trí Thể đưa ra 2 giải pháp để thu hút và giữ chân các nhân sự, người tài; đồng thời tạo nên sự gắn bó và hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, nhân tài được thu hút bởi chính nghĩa của doanh nghiệp. Theo ông Vũ Đức Trí Thể, doanh nghiệp nào cũng có sứ mệnh và đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhưng không phải người lãnh đạo nào hay sứ mệnh của doanh nghiệp nào cũng hướng đến việc chính nghĩa. Chính nghĩa của doanh nghiệp được gửi gắm thông qua sứ mệnh của doanh nghiệp.

Cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân sự hiện nay, đi vào bản chất của vấn đề và góc độ của doanh nghiệp, ông Vũ Đức Trí Thể cho rằng, thay vì nhận định về con người, doanh nghiệp nên sửa mình trở thành doanh nghiệp chính nghĩa thông qua sứ mệnh. Đây là vấn đề khó.

Ở góc độ nhân sự, người lao động bị thu hút bởi thương hiệu và văn hoá của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tạo ra dấu ấn riêng. Thương hiệu của doanh nghiệp được xây dựng từ lời hứa giá trị mà doanh nghiệp hứa với nhân viên, là danh dự của doanh nghiệp và người làm công tác nhân sự, là uy tín nghề nghiệp. Doanh nghiệp giữ được lời hứa với khách hàng, với nhân viên cũng là khía cạnh của văn hoá doanh nghiệp. Theo ông Vũ Đức Trí Thể, văn hoá doanh nghiệp không chỉ là khía cạnh đạo đức mà là lợi thế cạnh tranh trên thương trường và cả trong thu hút, giữ chân người tài.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.