Nguồn cung xăng dầu sụt giảm - Cẩn tắc vô áy náy

2022-12-14 08:58:27

Hãy chuẩn bị cho sự thiếu hụt nguồn cung ngay trong thời điểm dầu đang dồi dào và giá rẻ.

>> Giữ mức sàn thuế bảo vệ môi trường xăng dầu - Cần thiết để doanh nghiệp phục hồi

Sau hơn hai năm ngưng trệ do dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế thế giới vừa hồi phục phần nào thì cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ, kéo theo sự khủng hoảng năng lượng, lương thực… với mức độ toàn cầu. Đặc biệt là với lục địa già châu Âu, nơi có tích luỹ tư bản lâu năm, nhưng không nắm giữ các giá trị cốt lõi đảm bảo cho sự sống như khí đốt, nhiên liệu hoá thạch và lương thực.

Toàn cảnh cơ sở lọc dầu ở giếng dầu Vankorskoye thuộc vùng Krasnoyarsk, Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Từ ngày 05/12/2022, liên minh châu Âu cùng đồng minh quyết định áp giá trần đối với mặt hàng xăng dầu của Nga, nhằm đánh vào nguồn thu chủ yếu của Nga. Nếu lợi nhuận từ xuất khẩu xăng dầu giảm sút do áp bán giá thấp, sát với ranh giới, thì càng bán càng lỗ. Nền kinh tế Nga suy yếu, sẽ không còn khả năng duy trì cuộc chiến ở Ukraine. Hiện tại phía Nga đã cứng rắn tuyên bố sẽ không bán dầu cho nước nào áp dụng giá trần đối với dầu của Nga, thay vào đó sẽ bán sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ…

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vì quyền lợi sát sườn của mình cũng không nghe lệnh của ai để tăng sản lượng khai thác, giảm giá bán. Châu Âu có thể mua dầu từ Mỹ hoặc các quốc gia khác, nhưng vấn đề nằm ở chỗ các nhà máy lọc dầu đặt tại châu Âu được thiết kế chuyên để lọc dầu của Nga, không hề dễ dàng chuyển đổi sang lọc dầu thô của quốc gia khác được. Nếu muốn phải thay đổi thiết kế, máy móc, công nghệ… mất thời gian và tốn kém có khi không kém gì xây nhà máy mới, trong khi nhập khẩu hàng dùng được ngay thì giá trên trời, mất hết sức cạnh tranh.

Do đó, cho dù Mỹ - EU tìm mọi cách hạ giá dầu đánh thẳng vào kinh tế Nga nhưng hiệu quả sẽ không cao. Trong tương lai gần, nguồn cung xăng dầu chắc chắn sẽ giảm sút, giá cũng sẽ tăng cao, do châu Âu bước vào đỉnh điểm mùa đông lạnh giá, nên giá cao cũng buộc phải mua để duy trì sự ổn định. Trung Quốc có nhiều biện pháp thay đổi về phương pháp chống dịch, từ bỏ chiến lược “0” Covid, nới lỏng sự hạn chế đi lại, phong toả…, chắc chắn lượng tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng lên.

>> Giá xăng dầu biến động, nhiều doanh nghiệp ngành xăng dầu lỗ nặng

>> Cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu

>> Thị trường xăng dầu: Gỡ “nút thắt” từ… điều hành

Giá xăng dầu nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá dầu quốc tế. Ảnh: Hương Giang - Duy Long

Trong bối cảnh phức tạp và biến động của thế giới như vậy, Việt Nam cần làm gì để có thể giữ ổn định nguồn cung, tránh sự xáo trộn thiếu hụt xăng dầu như thời điểm tháng 11. đó là nhiệm vụ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đứng đầu là Bộ Công Thương. Con số từ cục thống kê cho thấy, nếu giá xăng dầu tăng 10% là chỉ số CPI sẽ tăng 0,36%, GDP sẽ giảm 0,5%. Còn nếu tăng cao hơn nữa thì nguy cơ bùng phát lạm phát, giá trị của tiền Việt giảm sút, đời sống nhân dân lao động bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ngành dầu khí Việt Nam vẫn còn trong tình trạng “bán thóc đi đong gạo”, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chỉ dừng nghỉ bảo dưỡng tầm hai tháng là sản lượng cung cấp sụt giảm ngay. Nhưng nguyên nhân chính phải nói đến là do khó khăn về tài chính nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm, chưa thể đảm bảo an toàn cho nguồn cung nội địa.

Cuối tuần đi đám cưới, ngồi cùng bàn với mấy anh làm xăng dầu, nghe họ tâm tư mới thấy có nhiều điểm chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được nếu quyết tâm làm.

Thứ nhất, để giám sát sự hoạt động của cây xăng, cơ quan quản lý chỉ cần yêu cầu kết nối hệ thống camera của trạm xăng vào hệ thống giám sát của cơ quan quản lý. Trạm nào giờ cũng có camera, nếu kết nối thì chẳng cần đoàn nào đi kiểm tra. Qua màn hình là có thể kiểm soát hoạt động xuất hay nhập, mất điện hay bảo trì... Chưa kể còn giám sát cả việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nguồn cung và chất lượng xăng dầu. Nền tảng công nghệ đã có sẵn, chỉ cần có văn bản quy định việc tích hợp kết nối, việc giám sát sẽ đơn giản đi rất nhiều, hiệu quả lại cao, doanh nghiệp sẽ phải chấp hành nghiêm túc nếu không muốn bị xử lý.

Thứ hai, để tránh tình trạng các cây xăng phải hoạt động với chiết khấu 0 đồng, hoặc chiết khấu gọi là có tầm 50 đồng/lít, doanh nghiệp không thể sống nổi khi phải nuôi bộ máy vận hành và ra lợi nhuận, thì đầu mối cung cấp phải chia sẻ với doanh nghiệp bán lẻ. Đồng thời, cam kết đảm bảo nguồn cung, lợi nhuận tối thiểu, không có kiểu “nhai thịt, nhè xương”, đẩy khó khăn thua lỗ cho doanh nghiệp bán lẻ, buộc họ phải bán hạn chế cầm chừng, hoặc tìm mọi lý do đóng cửa khi càng bán càng lỗ.

Thứ ba, giá xăng dầu thế giới đang ở mức rất thấp do lo ngại suy thoái kinh tế. Ở phiên giao dịch ngày 09/12/2022 giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,1% xuống mức 71,02 USD một thùng, dầu Brent giảm 0,9% xuống 76,69 USD một thùng. Chỉ trong một tuần giá dầu hạ tới 10%.

Đây là thời điểm nên tăng lượng nhập dự trữ. Xăng dầu không phải năng lượng vô tận và có liên quan mật thiết đến chính trị. Khi mục tiêu chính trị hoàn thành, chắc chắn xăng dầu sẽ tăng cao, nguồn cung khan hiếm, do đó hãy chuẩn bị cho sự thiếu hụt nguồn cung ngay trong thời điểm dầu đang dồi dào và giá rẻ.

Cái người dân cần bây giờ là giá xăng dầu đã giảm, các mặt hàng xin hãy giảm giá theo cùng. Có như vậy, đồng tiền mới còn có giá trị, chứ hiện tại nhiều gia đình đang loay hoay với việc làm, thu nhập, thu vén làm sao có được cái Tết ấm no.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.