Hiện nay, việc kiểm tra và quản lý rủi ro vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng, doanh nghiệp làm tốt lại bị kiểm tra nhiều hơn.
>> Giảm “gánh nặng” yêu cầu thông tin với doanh nghiệp
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) chia sẻ với DĐDN tại hội thảo công bố Báo cáo về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan Việt Nam phối hợp tổ chức gần đây.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM). Ảnh: Nguyễn Việt
- Bà đánh giá như thế nào về mức độ hài lòng của các doanh nghiệp hiện nay thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia, cũng như kiểm tra chuyên ngành?
Trong xuất nhập khẩu thương mại qua biên giới, chúng ta có thể thấy Chính phủ đã có thời gian dài tập trung cải cách nội dung này. Nếu nhìn cả quá trình từ 2015 đến nay thì có thể thấy sự thay đổi rất khác biệt.
Nhưng cần phân ra 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2015 đến 2019 Chính phủ đã có những cải cách rất mạnh mẽ, thay đổi trong quản lý chuyên ngành giúp cho các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành được tốt hơn. Đồng thời, kết nối tốt với cổng thông tin Một cửa quốc gia.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cảm thấy “hài lòng” trong giai đoạn từ 2015 đến 2019 trước sự thay đổi mạnh mẽ và khác biệt. Doanh nghiệp đánh giá cao sự chuyển biến từ thủ tục thủ công sang điện tử, cũng như cải cách trong lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành của từng bộ, ngành.
Tuy nhiên, từ 2020 đến nay mức độ cải cách trong lĩnh vực quản lý và kiểm tra chuyên ngành có sự “chững lại”. Nguyên nhân có thể do tác động của dịch bệnh, yếu tố thị trường, bối cảnh xã hội… đã dẫn tới sự quan tâm tập trung ở lĩnh vực khác nhau.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy thì lại càng cần hơn sự thay đổi, cải cách mạnh mẽ từ phía các bộ, ngành. Mặc dù, chúng ta đang nhìn thấy xu hướng chậm hơn so với giai đoạn trước.
Hoạt động kết nối qua cổng thông tin Một cửa quốc gia cho thấy số lượng thủ tục các bộ, ngành đăng ký kết nối tăng lên rất nhanh. Đến tháng 6/2022 có 249 thủ tục được kết nối.
Nhìn về mặt số lượng thì đây là “thành tích” ấn tượng, nhưng trên thực tế doanh nghiệp không thể thực hiện thông suốt hoàn toàn các thủ tục trên môi trường điện tử. Do đó, có rất nhiều doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu “chần chừ” thực hiện bằng Một cửa quốc gia hay làm trực tiếp cho thuận lợi hơn. Vì, mặc dù kết nối qua cổng thông tin Một cửa quốc gia nhưng thủ tục hành chính vẫn bằng hình thức thủ công.
>> VCCI Nghệ An: Kết nối doanh nhân nữ Nghệ An - Thanh Hoá
>> VCCI hỗ trợ Adidas sản xuất kinh doanh hậu COVID - 19
Doanh nghiệp cảm thấy “hài lòng” trong giai đoạn từ 2015 đến 2019 trước sự thay đổi mạnh mẽ và khác biệt. Ảnh: Nguyễn Việt
- Nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận sự thay đổi tích cực trong một số thủ tục hành chính, như giao thông vận tải, kiểm tra chất lượng đã thực hiện trên môi trường điện tử, thưa bà?
Điều này giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn có khoảng cách giữa thực hiện trực tuyến với các thủ tục. Đó là, mức độ quan tâm khác nhau của các bộ, ngành, lĩnh vực trong thực hiện thủ tục. Đây là điểm hạn chế vì thiếu đồng đều trong nỗ lực cải cách.
Có một điểm quan trọng trong thời gian vừa qua khi Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải cắt giảm các danh mục, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Nhưng từ năm 2019 đến nay số lượng mặt hàng cắt giảm rất ít.
Nếu số lượng mặt hàng không cắt giảm thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục. Chỉ lĩnh vực kiểm dịch động vật có thay đổi nhỏ trong cắt giảm danh mục đối với hàng thuỷ sản khi sản xuất và chế biến xuất khẩu đông lạnh. Còn lại, các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành của 13 bộ quản lý vẫn chưa cắt giảm danh mục này.
Xét về phương thức quản lý hiệu quả, hiện nay các nước trên thế giới thường áp dụng đó là quản lý rủi ro. Ở mỗi một lĩnh vực khác nhau, mặc dù đã từng bước có các quy định liên quan đến quản lý rủi ro, nhưng thực hiện tại mỗi thủ tục thì lại khác nhau, và gần như chưa có sự thống nhất trong quản lý rủi ro.
Kể cả khi thực hiện quản lý rủi ro thì vẫn còn nhiều rào cản khiến cho việc thực hiện chưa đạt đúng như mong muốn về mục đích quản lý. An toàn thực phẩm là một trong những lĩnh vực tạo ra sự đột phá điển hình trong cải cách quản lý rủi ro.
- Vậy, theo bà thời gian tới chúng ta cần cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành như thế nào?
Hiện nay có hơn 60.000 mặt hàng cần rà soát xem liệu những hàng hoá đó có thực sự phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành hay không? Có thể áp dụng hình thức hậu kiểm hay tiêu chuẩn kỹ thuật?
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Việt
Đối với thủ tục hành chính, phải thừa nhận các cơ quan quản lý nhà nước luôn có lập luận quản lý để đảm bảo chất lượng. Khi cắt giảm thủ tục doanh nghiệp vẫn đảm bảo được chất lượng, còn áp lực quản lý nhà nước thì giảm đi rất nhiều.
Đơn cử, kiểm tra an toàn thực phẩm thủ tục giảm, áp lực cơ quan quản lý nhà nước giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn tuân thủ tốt, chất lượng sản phẩm tốt. Như vậy, mô hình này cần phải được nhân rộng ở các lĩnh vực quản lý và kiểm tra chuyên ngành khác.
Thời gian vừa qua, các bộ ngành cũng đã “suy nghĩ” đến hoạt động quản lý rủi ro. Nhưng quản lý rủi ro không chỉ với khâu tiền kiểm mà cần phải được áp dụng cả với hậu kiểm.
Có nghĩa, khi doanh nghiệp hoạt động có lịch sử tốt thì phải giảm bớt tuần suất kiểm tra, chỉ khi nào thấy có sự nghi ngờ mới đặt vấn đề kiểm tra. Hiện nay, việc kiểm tra và quản lý rủi ro vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng. Doanh nghiệp làm tốt thì lại bị kiểm tra nhiều hơn.
Do đó, cần áp dụng nguyên tắc kiểm tra rủi ro một cách thực chất để doanh nghiệp có tinh thần tuân thủ pháp luật tốt hơn, đồng thời giảm áp lực với các cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận hệ thống công nghệ thông tin của chúng ta mặc dù có sự kết nối điện tử nhưng hạ tầng còn rất nhiều hạn chế. Bởi vậy, các cơ quan, đơn vị thực hiện kết nối hoặc giải quyết các thủ tục kết nối đã nhận được nhiều phản ánh là “không dễ dàng thực hiện thủ tục”.
Tình trạng lỗi kỹ thuật, nghẽn mạng xảy ra khi xử lý khá phổ biến. Đây là khó khăn rất lớn trong việc thực hiện thủ tục hành chính online. Ngoài ra, có rất nhiều thủ tục mà các mặt hàng phải chịu sự kiểm tra từ hai cơ quan quản lý nhà nước trở lên, không có sự kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan với nhau.
Đây là rào cản rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đã có dữ liệu số hoá, thì đòi hỏi sự kết hợp dữ liệu chia sẻ thông tin là rất cần thiết để doanh nghiệp thực hiện tốt hơn.
Ở đây cần có sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, Bộ Tài chính tạo ra nền hạ tầng đủ mạnh để kết nối cũng như chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...