Thách thức tài chính cho điện than
Với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 ( Quy hoạch điện VIII ), cho thấy, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 130.371-143.839 MW. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 28,3-31,2%; nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) chiếm 26,5-28,4%.
Nhưng dự báo đến năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt từ 261.951-329.610 MW, trong đó, nhiệt điện than chiếm 15,4-19,4%; nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) chiếm 26,5-28,4%. Như vậy, tỷ trọng điện than đã giảm đáng kể và tăng tỷ lệ với năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, mặc dù điện than giảm nhưng tài chính cho điện than đang là chủ đề nóng. Theo tính toán của Viện Năng lượng trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư thuần (không kể lãi trong thời gian xây dựng) giai đoạn 2021 – 2045 là trên 5 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 220 triệu USD. Trong đó tổng giai đoạn 2021-2030 là hơn 2 triệu tỷ đồng và giai đoạn 2031-2045 là trên 3 triệu tỷ đồng.
Như vậy bình quân mỗi năm giai đoạn 2021-2045 cần phải đầu tư thuần cho phần nguồn điện là 211,032 nghìn tỷ đồng, tương ứng 9,06 tỷ USD.
Trong đó với nhiệt điện tổng vốn đầu tư nguồn điện giai đoạn 2021-2030 sẽ là trên 570.000 tỷ đồng; giai đoạn từ 2031-2045 sẽ cần trên 400.000 tỷ đồng. Việc thu xếp vốn cho các dự án điện than giai đoạn tới sẽ đối mặt không ít thách thức khi nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới đã nói không với điện than.
Tới nay đã có hơn 100 ngân hàng, công ty bảo hiểm & quản lý tài sản và nhà đầu tư trên toàn cầu (bao gồm các tổ chức tài chính đa phương và đầu tư tài chính) đã thông báo về việc rút khỏi các dự án khai thác than và nhà máy điện than. Những đơn vị này có thể kể đến các ngân hàng hàng đầu thế giới như World Bank, ADB, Standard Chartered, Maybank, SMBC,....
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã xây dựng một chương trình với các quỹ tài chính có giá trị 100 triệu USD để thúc đẩy việc đóng cửa các nhà máy điện than 5 hoặc 10 năm sớm hơn kế hoạch tại khu vực Đông Nam Á.
Với các mục tiêu giảm phát thải carbon được đặt ra bởi nhiều nhà đầu tư trên thế giới, việc xây dựng các dự án điện than mới sẽ có chi phí đầu tư cao hơn và các nhà máy hiện hữu sẽ phải đóng cửa sớm hơn thời hạn.
Việt Nam sẽ không nằm ngoài cơn bão toàn cầu này về tài chính cho điện than. Trung Quốc mới đây đã cam kết dừng tài trợ các dự án điện than mới ở nước ngoài, như Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại một hội nghị Liên Hợp Quốc vào tháng 9 vừa qua, và việc này sẽ ảnh hưởng đến các dự án điện than mới tại nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Quản lý Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Công bằng, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID): “Tiếp tục phát triển khoảng 30 GW điện than trong giai đoạn 2021-2045 theo dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện nay là một sự đánh cược đầy rủi ro khi hơn một nửa công suất điện than được quy hoạch chưa và khó có thể thu xếp được tài chính trước những cam kết dừng cấp vốn của các quốc gia và tổ chức tài chính. Sự đánh cược này sẽ đặt an ninh năng lượng quốc gia vào tình thế bị đe dọa đồng thời đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng sạch với sự cổ vũ và cam kết hỗ trợ của các đối tác quốc tế, cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Bà Malin Östman, Giám đốc Phát triển thị trường & Chiến lược cho khu vực Châu Á & Trung Đông của tập đoàn Wärtsilä cho biết: “Những dự án điện than chưa thu xếp được tài chính sẽ gặp phải nhiều khó khăn để có thể triển khai. Các nước với các dự án điện than đã được quy hoạch nên nghiên cứu các phương án khác để có những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng. Chúng ta có thể tìm hiểu một số ví dụ trên toàn cầu về lộ trình hướng tới phát thải ròng (net zero) và nghiên cứu này của chúng tôi đã thể hiện rằng năng lượng tái tạo có khả năng trở thành một nguồn điện với chi phí hợp lý và độ tin cậy cao khi có đủ sự linh hoạt trong hệ thống điện”.
Ảnh hưởng tới các dự án điện than mới
Việt Nam đã có tổng cộng 21.3 GW công suất điện than tính tới cuối năm 2020, đóng góp vào 50% tổng sản lượng điện trên toàn quốc. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây, công suất nguồn điện than sẽ còn được tăng lên 40.9GW vào năm 2030 và tới 50.9GW vào năm 2035. Trong số các dự án điện than đã được phê duyệt này, theo ước tính có khoảng 15.8GW vẫn chưa thu xếp được tài chính. Những dự án này sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các chính sách đầu tư thiên về bảo vệ môi trường và khí hậu toàn cầu mà các nhà đầu tư và chính phủ nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.
Hầu hết các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar và Lào đã đưa ra những cam kết về việc giảm lượng khí thải nhà kính về bằng 0 (net zero) vào năm 2050 và Việt Nam nên tham gia cùng với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và đưa ra các mục tiêu tương tự. Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây đã đề xuất tăng gấp đôi công suất điện than vào năm 2030 và như vậy lượng phát thải của nguồn điện than cũng sẽ tăng lên gấp đôi. Với khó khăn trong việc thu xếp tài chính cho các dự án điện than mới đã được phê duyệt, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam đưa ra những chính sách giảm phát thải carbon mạnh mẽ hơn và những kế hoạch ưu tiên cho việc đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và nhiên liệu sạch hơn. Khi các tiêu chí cho vay vốn đã được thay đổi, thời gian hoàn thành của các dự án điện than đã được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII dường như sẽ khó đạt được.
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh", PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, trường Đại học Cần Thơ khuyến nghị, Việt Nam đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, nhưng dự thảo lại tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Điều này sẽ gây ra nhiều tác động và hệ lụy.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, không nên nhận định đơn thuần về mặt kỹ thuật, kinh tế năng lượng mà phải đánh giá trên phương diện rộng hơn. Vừa qua, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mẻ mà các nước xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu, trong đó có Việt Nam phải quan tâm.
"Do đó, nếu hàng hoá của chúng ta bị đối tác định giá lượng khí thải quá cao từ việc sử dụng nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường, sẽ bị áp trần nhất định khi đưa hàng hoá đó vào châu Âu" - PGS.TS Lê Anh Tuấn phân tích.
Nghiên cứu đưa ra một phương án thay thế
Các chuyên gia quốc tế đến từ tập đoàn Wärtsilä đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu về tác động lên tới 15.8GW nguồn điện than mới trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Nghiên cứu tập trung vào việc tìm ra một cơ cấu công suất tối ưu để đưa ra một Phương án thay thế cho 15.8GW điện than mà sẽ gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn. Trong tổng công suất 15.8GW, có 5.8GW được quy hoạch trước năm 2030 và 10GW được quy hoạch sau năm 2030.
Mô hình đã đề xuất xây dựng một cơ cấu nguồn điện bao gồm 1.1GW điện mặt trời và 1.3GW điện gió, hỗ trợ bởi 0.7 GW điện khí linh hoạt (ICE) trước năm 2030. Lượng công suất này từ các nguồn điện gió, điện mặt trời và điện khí linh hoạt này có thể là một giải pháp tối ưu để thay thế cho 5.8GW điện than đã được quy hoạch trước năm 2030.
Biểu đồ dưới đây thể hiện công suất được đề xuất để thay thế các dự án điện than chưa thu xếp được tài chính tại Việt Nam:
Ngoài lượng công suất năng lượng tái tạo đã được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây, nghiên cứu đã đề xuất xây dựng thêm tổng cộng 5.6GW điện gió và 4.9GW điện mặt trời trước năm 2045. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam có thể hạn chế thêm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm chi phí điện khi nguồn điện tái tạo không sử dụng nhiên liệu và giá thành ngày càng giảm nhanh, và để giảm lượng khí thải cho hệ thống điện.
Mô hình cũng đề xuất xây dựng thêm 8.5GW điện khí linh hoạt (ICE) trước năm 2045 để hỗ trợ cho nguồn điện gió và mặt trời trong tương lai do các đặc tính công nghệ ICE phù hợp cho việc cân bằng hệ thống và hạn chế cắt giảm công suất các nguồn tái tạo trong khi đảm bảo nguồn cung ứng điện được ổn định. Việc xây dựng nguồn điện khí linh hoạt trong hệ thống cũng sẽ góp phần giải quyết mối lo thiếu điện vào các giai đoạn mùa khô. Hệ thống điện khi được tăng tính linh hoạt sẽ trở nên mạnh mẽ hơn để có thể tích hợp một lượng nguồn năng lượng tái tạo lớn hơn.
Nghiên cứu cho thấy các lợi ích của việc thay thế các dự án điện than chưa thu xếp được tài chính bằng một tổ hợp bao gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí linh hoạt (ICE): Tỉ trọng năng lượng tái tạo về sản lượng sẽ được tăng từ 32% (Dự thảo Quy hoạch điện VIII) lên 34% vào năm 2030 và từ 41% (Dự thảo Quy hoạch điện VIII) lên 45% vào năm 2045; Chi phí hệ thống (CAPEX – đầu tư, OPEX – vận hành) được giảm thông qua việc thay thế các dự án điện than đã được phê duyệt nhưng chưa thu xếp tài chính được bằng tổ hợp năng lượng tái tạo và điện khí linh hoạt (ICE) sẽ có thể lên tới 24 tỷ USD vào năm 2045; Việc bổ sung thêm nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện sẽ giúp cho giảm 15% lượng khí thải CO2 vào năm 2045.
Tại hội nghị COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải carbon về bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc trong việc đầu tư các dự án điện than mới và PDP8 nên xem xét phương án thay thế trong trường hợp các dự án điện than mới chưa thu xếp được tài chính bằng việc xây dựng thêm các nguồn điện tái tạo và điện khí linh hoạt.