NÂNG CAO HIỆU QUẢ CCHC TRONG LĨNH VỰC PCCC

2023-07-05 10:23:54

Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (Nghị định 136) của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC ra đời đã góp phần phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng của số vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý về PCCC trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, việc siết chặt hơn công tác kiểm tra, xử lý, thẩm định, nghiệm thu PCCC,… thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí mệt mỏi, bức xúc.

Thiện chí từ phía chính quyền

Theo Báo cáo tổng kết công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tỉnh Nghệ An, trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 81 vụ cháy làm chết 4 người, thiệt hại về tài sản ước tính 6,2 tỷ đồng, giảm 4 vụ và 2 người chết so với năm 2021. Trong đó có 19 vụ cháy cơ sở sản xuất kinh doanh, 1 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke,... Trong 05 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 79 vụ cháy vừa và nhỏ, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 1,8 tỷ đồng. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do bất cẩn trong việc sử dụng điện, nguồn nhiệt; nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH.

chủ yếu là do bất cẩn trong việc sử dụng điện, nguồn nhiệt; nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH.


Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, thời gia qua, gần như tất cả những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về PCCC đã được Công an tỉnh có các văn bản trả lời trực tiếp đến các Hiệp hội Doanh nghiệp, các đơn vị quản lý Nhà nước. Vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập 2 Đoàn liên ngành trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn cho tất cả các doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh: CCN Hưng Lộc, CCN Nghi Phú, CCN Hưng Đông (thành phố Vinh) và CCN Tháp Hồng Kỷ (huyện Diễn Châu) cũng như các cơ sở tại các khu công nghiệp. Đoàn đã đến từng doanh nghiệp để kiểm tra, khảo sát, phân loại các cơ sở, doanh nghiệp vướng các thủ tục trong đầu tư, xây dựng dẫn đến bế tắc trong công tác PCCC; vướng mắc về các điều kiện, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện các quy định về PCCC. Đoàn đã áp dụng triệt để các nội dung, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, của Bộ Công an và UBND tỉnh trên cơ sở tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp. Quy định nào có lợi cho doanh nghiệp thì áp dụng. “Chúng tôi không hồi tố mà yêu cầu các cơ sở chỉ cần khắc phục các điều kiện an toàn PCCC. Việc xử phạt, đình chỉ hay tạm đình chỉ bắt buộc phải xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xem xét, cân nhắc ở mọi góc độ, ở phạm vi nhỏ nhất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh”, Thượng tá Hạnh nhấn mạnh.

Góc nhìn đa chiều

Phải khẳng định rằng, nhiều Điểm mới được cụ thể hóa tại Nghị định 136 trong thời gian qua đã phần nào đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác PCCC. Đặc biệt, Nghị định đã bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (Phụ lục I). Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, các Điểm, nội dung của Nghị định như: Kiểm định phương tiện PCCC; Người chịu trách nhiệm PCCC của cơ sở; Trách nhiệm lập, lưu giữ hồ sơ quản lý, theo dõi PCCC; Phương tiện PCCC thuộc diện kiểm định… cần phải được cân nhắc, điều chỉnh, thậm chí bãi bỏ trong Dự thảo Nghị định mới sắp tới.


Trong thời gian vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở kinh doanh karaoke tại nhiều địa phương phản ánh về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 136. Một số ý kiến phản ánh rằng, mặc dù Nghị định 136 không áp dụng hồi tố, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy, xin thẩm duyệt lại thiết kế PCCC… hoặc phải thay thiết bị, phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn doanh nghiệp đang “thiệt đơn, thiệt kép” từ hậu quả của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Nguyễn Đức Tuyến – Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh thành phố Vinh chia sẻ, nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An đang “kêu trời” về các quy định mới khắt khe của Nghị định 136, thậm chí là không thể thực hiện được. Việc này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, kìm hãm sự phát triển và tác động đến nền kinh tế của địa phương. Mặc dù chính quyền và Công an tỉnh gần đây đã có nhiều nỗ lực và vận dụng linh hoạt Nghị định 136, nhưng xét cho cùng, về lâu dài vẫn phải có sự điều chỉnh phù hợp và sự can thiệp từ phía Chính phủ, các cơ quan liên quan và các Tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.

Gần đây, tập thể các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh karaoke của nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Nghệ An và 7 Hiệp hội Doanh nghiệp: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI... để báo cáo các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực PCCC và một số đề xuất, kiến nghị để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp. Và sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong PCCC, các Bộ, ngành và địa phương đang ráo riết, khẩn trương vào cuộc để tìm hướng giải quyết.

Giải pháp nào cho việc cắt giảm TTHC trong lĩnh vực PCCC?

Việc cắt giảm TTHC cần phải theo phương án đơn giản hoá, phân cấp để giải quyết. Đây cũng là nội dung trong cải cách, cắt giảm mạnh TTHC trong lĩnh vực PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn PCCC được ban hành, sửa đổi liên tục nhằm mục đích phòng tránh rủi ro, bảo vệ quyền lợi và tài sản của người dân; nhưng trong quá trình thi hành, áp dụng thực tiễn đã phát sinh khá nhiều bất cập, ảnh hưởng đến thời gian, chi phí và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, việc đưa ra các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC là cần thiết trong bối cảnh tình hình cháy , nổ diễn biến phức tạp, khó lường với tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các toà nhà cao tầng, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… trong đó có các cơ sở kinh doanh karaoke. Kinh tế - xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển nhanh và mạnh mẽ; các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng nên nhu cầu sử dụng năng lượng, trong đó có điện, xăng dầu ngày càng nhiều. Do đó, nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ là rất lớn, đặc biệt vào thời điểm nắng nóng như hiện nay.


Về lâu dài, các bộ, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp để nghiên cứu, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC; xử lý, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc giữa quy định và điều kiện thực tế của doanh nghiệp nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC và CNCH, nhưng phải đặt an toàn tính mạng và tài sản của người dân lên trên hết. Bên cạnh đó, chính quyền cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng PCCC tới từng cơ sở, từng hộ gia đình, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp trong việc tự bảo vệ chính mình và cộng động cùng với việc s iết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH./.

PHAN DUY HÙNG ( Chi nhánh VCCI Nghệ An )