Muốn vươn ra “biển lớn”, doanh nghiệp không thể tách rời ESG

2022-11-19 15:10:00

Theo Báo cáo “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam” năm 2022 của PwC, 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

>> Thúc đẩy quản trị ESG từ 3 tác nhân

Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG (Kinh tế - Xã hội – Môi trường). Việc các doanh nghiệp còn e ngại có thể do có quá nhiều thông tin ESG song chưa rõ ràng.

Quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hành đánh giá doanh nghiệp trên khung ESG (Kinh tế - Xã hội – Môi trường) đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu.

Kết quả này cho thấy cần thiết phải tiến hành các cuộc đối thoại tích cực (chủ động) giữa chính phủ Việt Nam và nhóm DNNVV vốn đang gặp phải thách thức này. Điều này cũng khẳng định nhu cầu không ngừng nâng cao kiến thức và năng lực thực thi ESG trong doanh nghiệp, đặc biệt dành đội ngũ lãnh đạo cấp cao.

“E ngại” do nhiều thông tin nhưng chưa rõ ràng

Chỉ 29% người tham gia khảo sát cho biết Hội đồng quản trị tham gia thực hiện chương trình ESG tin tưởng vào năng lực của Hội đồng về các vấn đề ESG. Tuy nhiên, 43% lại chưa cân nhắc việc thiết lập chương trình đào tạo về các vấn đề ESG và chỉ 26% cho biết việc đào tạo cho hội đồng quản trị đang được lên kế hoạch hoặc thực hiện.

Gần 70% người tham gia khảo sát thừa nhận họ gặp khó khăn do thiếu các quy định minh bạch. Hơn một nửa (52%) nói rằng chất lượng công bố thông tin và nhận thức của đối tác về các yếu tố ESG còn thấp cũng là thách thức hàng đầu khi kết hợp các yếu tố ESG vào khung đánh giá rủi ro của tổ chức.

Do đó, rất cần những hướng dẫn rõ ràng, lộ trình tổng thể cho quốc gia và một sân chơi bình đẳng cho các ngành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy các chiến lược ESG.

Ông Andrew Chan, Lãnh đạo Phát triển Bền vững & Biến đổi Khí hậu Đông Nam Á, Chiến lược Bền vững & Chuyển đổi, PwC Trung tâm Bền vững Châu Á Thái Bình Dương đánh giá, hiểu rõ về ESG mà thiếu cam kết hoặc ngược lại thì đều là vô nghĩa.

“Để xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn và bền vững hơn, chúng ta cần sự cam kết tập thể và hợp tác giữa nhiều bên liên quan, bao gồm cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nhân, cơ quan quản lý, chính phủ cũng như giới truyền thông”, ông Andrew Chan nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo PwC Việt Nam Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ, tương tự như các công cuộc chuyển đổi khác, những bước đầu tiên trên hành trình ESG sẽ khó khăn, nhưng chắc chắn đó sẽ là một quyết định xứng đáng.

Thành công không chỉ ở riêng khía cạnh tài chính, công bố thông tin, biến đổi khí hậu hay đa dạng hóa nguồn lực. Thành công trong ESG đến từ việc tích hợp tất cả các nguyên tắc này và các sáng kiến khác vào chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp bao gồm khía cạnh quản lý rủi ro.

Từ thực tế kinh nghiệm ứng dụng ESG, bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại, British American Tobacco (BAT) khu vực Đông Á đã đưa ra thông điệp về “Kiến tạo giá trị chung của doanh nghiệp từ thực hành ESG”.

Theo bà Hoàng Anh, ESG hiện được lồng ghép trong mọi hoạt động kinh doanh của BAT nhằm tạo ra các giá trị chung cho người tiêu dùng, nhân viên, cộng đồng và các bên liên quan.

Thông qua các mục tiêu trung hòa carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước và duy trì không có rác thải chôn lấp, song song với việc tái chế chất thải và sử dụng các nguồn cung bền vững, BAT có thể đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bảo toàn đa dạng sinh học và trồng rừng.

“BAT cũng bảo đảm không có lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam, mang lại sinh kế tốt hơn cho nông dân, đồng thời nỗ lực xây dựng văn hóa đa dạng và hòa nhập, trao quyền cho lãnh đạo nữ, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh cũng như các nguyên tắc tiếp thị quốc tế”, bà Hoàng Anh khẳng định.

Từ hiệu quả mang lại nhờ vào đầu tư ESG của các doanh nghiệp toàn cầu cho thấy vai trò to lớn của bộ tiêu chuẩn đo lường doanh nghiệp ESG. Điều đó có nghĩa, trong bối cảnh hiện nay muốn tồn tại và vươn ra “biển lớn”, các doanh nghiệp Việt không thể tách rời hoặc xem nhẹ việc đầu tư vào ESG.

>> ESG không còn là yếu tố phi tài chính

>> ESG mang lại lợi ích dài hạn

ESG giúp doanh nghiệp vững vàng trong đại dịch

Một trong số đó là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào xây dựng các mục tiêu chiến lược cho sự phát triển của doanh nghiệp. Ngay từ năm 2012, Vinamilk đã công bố báo cáo phát triển bền vững thường niên, trình bày minh bạch các chuẩn mực ESG được công ty áp dụng tuân thủ và đo lường kết quả theo mô hình Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và báo cáo theo GRI - Tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo Phát triển bền vững. Do đó, từ năm 2017 Vinamilk liên tiếp được đánh giá thuộc top 20 cổ phiếu xanh VNSI, với tổng điểm ESG đánh giá đạt 90%.

Vinamilk là doanh nghiệp nổi bật về định hướng phát triển bền vững ở tầm chiến lược.

Nhiều năm trước, Vinamilk đã đầu tư các trang trại theo nhiều hệ tiêu chuẩn cao của quốc tế như Organic Châu Âu, GlobalG.A.P (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)... Các tiêu chuẩn này thường đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn, quá trình thực hiện bài bản và lâu dài, tuy nhiên những giá trị xanh và bền vững mang lại sau đó là rất lớn.

Đến nay, Vinamilk đã có hàng trăm ha đất đạt chuẩn hữu cơ Organic Châu Âu, phương pháp canh tác này giúp bảo vệ tài nguyên đất, vốn là tài nguyên quý giá nhất của nông nghiệp.

Hay việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, kết hợp với năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, Biomass, CNG… tại hệ thống trang trại, nhà máy giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu. Vinamilk hiện bắt đầu gặt hái nhiều kết quả từ quá trình đầu tư ESG liên tục.

Việc Vinamilk tích hợp ESG vào kế hoạch chiến lược cũng giúp quản trị rủi ro tốt hơn. Yếu tố G (Governance - Quản trị doanh nghiệp) được đánh giá rất mạnh, mô hình 3 tuyến phòng vệ theo thông lệ Quản lý rủi ro và Kiểm soát nội bộ của Vinamilk nhằm đảm bảo tính khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản lý quản trị.

Doanh nghiệp cũng liên tục cập nhật bộ quy chế về quản trị công ty nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông và thiết lập những chuẩn mực hoạt động đối với Hội đồng quản trị và Ban Điều hành, trong đó tiêu biểu là việc luôn duy trì tối thiểu 3 thành viên Hội đồng quản trị độc lập để đảm bảo tính khách quan trong các quyết định quan trọng.

Doanh nghiệp cho thấy sự ổn định, vững vàng trước những thách thức kéo dài gần 2 năm qua do đại dịch COVID-19. Năm 2021, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu 62.160 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II mới công bố, vượt “bão COVID-19”, Vinamilk ghi nhận doanh thu cao kỷ lục 15.729 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đã hoàn thành 47% kế hoạch năm...

Không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội qua các chương trình CSR, các giá trị bền vững cũng được doanh nghiệp này mang đến cho người lao động và người tiêu dùng thông qua các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.