Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội: Xem xét các trường hợp yếu thế

2023-08-23 09:45:14

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G-Home cho rằng, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cần xem xét đến các trường hợp yếu thế và tạo điều kiện để họ có cơ hội sở hữu nhà ở.

Người có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng khó đủ tích lũy để mua nhà

Trong một chia sẻ mới đây, PGS. TS. Hồ Anh Cương – Đại học Giao thông Vận tải đặt vấn đề rằng điều kiện để tiếp cận nhà ở xã hội là các đối tượng không chịu thuế TNCN (tức là dưới 11 triệu đồng/tháng), thế nhưng tại nơi có nhà ở xã hội thì có lẽ mức thu nhập trên chỉ đủ để chi tiêu cho gia đình, con cái, khó có tích lũy. Mà không có tích lũy thì làm sao có thể mua nhà được?

Chính sách quá khắt khe

Theo ông Hồ Anh Cương, hiện nay, việc chia thành các nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội có thể giúp loại bỏ nguy cơ đầu cơ, tuy nhiên nhà ở xã hội là 1 phân khúc của thị trường bất động sản và phải tuân theo quy luật của thị trường. Do đó, nếu đưa ra những chính sách quá khắt khe thì người mua rất khó tiếp cận.

Ông Cương chỉ ra các vấn đề lớn là quy định về thu nhập, yêu cầu về thu nhập đang ở mức không thực tế. Hai là hộ khẩu thường trú hay tạm trú 1 năm đây là vấn đề bất cập, không khuyến khích lao động nhập cư từ địa phương này sang địa phương khác.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G-Home cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi vẫn cho thêm chứ không thay đổi tư duy, dùng phương pháp liệt kê để quy định đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội và theo ông Nam, phương pháp này vừa thiếu lại vừa thừa.

Ở phần thiếu, CEO G-Home cho biết thiếu đối tượng được mua là người khuyết tật. Trong khi lại thừa ở chỗ Luật quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo được mua, nhưng hộ nghèo thì làm gì có tích lũy mua nhà? Trước hết, ông Nam khẳng định rằng cần phải làm theo Luật, tuy nhiên nên xem xét đến các trường hợp yếu thế và tạo điều kiện để họ có cơ hội sở hữu nhà ở.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết, đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hơn nếu được tiến hành song song với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho một triệu người mua nhà. Thay đổi tư duy quản lý là yếu tố then chốt.

Đủ thủ tục kìm chân doanh nghiệp

Về phía khó khăn của doanh nghiệp, theo ông Nam, hiện nay, mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội là rất lớn nhưng để thực hiện được là thách thức rất lớn. Bởi các chủ đầu tư làm nhà ở xã hội gặp vướng rất là nhiều vấn đề về khâu quy trình, thủ tục.

Còn nhiều thách thức cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

“Chúng tôi thường nói vui rằng làm nhà ở xã hội còn khó hơn làm nhà ở thương mại. Thực tế là các thủ tục chuẩn bị đầu tư của nhà ở thương mại và nhà ở xã hội là như nhau, với nhà ở thương mại, chủ đầu tư tự định giá bán, bán với giá nào cũng được miễn thị trường chấp nhận, nhưng còn nhà ở xã hội chúng ta chỉ được bán với giá mà đã được Sở Xây dựng địa phương phê duyệt, một điểm nhỏ đó thôi cũng có thể thấy làm nhà xã hội mất thời gian hơn rồi, mà thời gian với doanh nghiệp chính là tiền, là cơ hội kinh doanh” – ông Nam chia sẻ.

Là đơn vị nhiều năm gắn bó với phân khúc nhà ở xã hội, ông Nguyễn Hoàng Nam cho biết, quy định hiện nay yêu cầu phải dành tỉ lệ tối thiểu 20% diện tích để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư chỉ được bán phần diện tích này sau 5 năm. Điều này gây ra lãng phí lớn do nhu cầu sở hữu của người dân cao hơn nhiều so với nhu cầu thuê. Từ đó dẫn tới tình trạng các chủ đầu tư muốn bán nhưng không được bán, người đủ điều kiện muốn mua nhưng không được mua, trong khi cả hai bên cùng nhìn những căn nhà để trống do không có người thuê.

Theo ông Nam, lâu nay, trong phát triển chính sách, việc lấy kinh nghiệm từ quốc tế để áp dụng tại Việt Nam là bình thường, song cần quan tâm tới bản chất vấn đề. Tại các nước phát triển, doanh nghiệp xây nhà ở xã hội theo đơn đặt hàng của chính quyền và sau khi xây xong, chính quyền sẽ mua lại để cho thuê hoặc bán cho những người đủ điều kiện và có nhu cầu, nên vai trò chủ đầu tư thuộc về chính quyền, họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu sản phẩm bị thị trường quay lưng.

Còn tại Việt Nam, chính quyền kêu gọi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, rủi ro doanh nghiệp tự chịu, nhưng hoạt động kinh doanh lại bị can thiệp quá sâu bởi các công cụ chính sách nên họ không mặn mà cũng là điều dễ hiểu.

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp