Mô hình phụ nữ xã khởi nghiệp

2022-07-16 09:06:00

Mô hình các phụ nữ ở một xã cùng khởi nghiệp để giúp nhau hiện thực hóa ước mơ kinh doanh đã mang lại hiệu quả và rất đáng nhân rộng.

>> Đạo làm giàu của người Việt

Chị Ánh Hồng (phải) chia sẻ niềm vui khi nước rửa chén sinh học của phụ nữ Bình Ngọc được người tiêu dùng yêu thích.

May mắn là trên bước đường khởi nghiệp của chị em Hội LHPN xã Bình Ngọc (Phú Yên) còn có sự đồng hành của Hội LHPN tỉnh, Sở TN-MT, Trường Cao đẳng Công thương Miền Trung. Họ đã nhận được giúp đỡ cả về kiến thức lẫn các trang thiết bị … hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững chung tay vì sức khỏe cộng đồng.

Tinh thần chịu khó học hỏi

Sau khi được giới thiệu, Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã tìm kiếm cơ hội học tập mô hình Chế phẩm sinh học đa dụng - sản xuất nước rửa chén và lau nhà sinh học của chị Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng (Đà Nẵng). Họ quyết tâm thực hiện thí điểm dự án Tái chế rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học. Qua thời gian thử nghiệm, 12 chị em tham gia mô hình này đã đi đến các chợ, các điểm bán nước cam vắt để thu gom các loại vỏ: cam, chanh, bưởi, thơm, lá xả, bồ kết, dứa... sau đó tiến hình sơ chế, ủ nguyên liệu theo quy trình hướng dẫn.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc cho biết: “Sau thời gian ủ các loại vỏ này từ 15-20 ngày sẽ có mùi như mùi rượu lên men và sau 30 ngày độ PH=3 là chế phẩm đã thành công. Tuy nhiên để có nước rửa chén sinh học Bình Ngọc được người tiêu dùng yêu thích như hiện nay, chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian thử nghiệm thất bại”.

Hiện tại, nước rửa chén sinh học Bình Ngọc đã được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kiểm nghiệm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Giá thành sản phẩm 32.000 đồng/lít rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường; sản phẩm lại an toàn không gây kích ứng da, thân thiện với môi trường. Các chị em còn tận dụng phần bã sau khi ủ men làm phân bón cho cây trồng gia đình.

Chị Thủy giới thiệu sản phẩm bột sen trong một chương trình kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Nhân rộng mô hình kinh tế xanh

Không chỉ ở xã Bình Ngọc, mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn” ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) cũng đã thu hút trên 40 hội viên phụ nữ tham gia. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh - Nay Hờ Nhơn: “Ngoài việc tích cực tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ trên địa bàn chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Sông Hinh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho chị em kỹ thuật trồng; tạo điều kiện cho chị em vay vốn đầu tư phát triển sản xuất…”. Hiện nay, vườn rau của chị em đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân cũng như một số nhà hàng tại thị trấn Hai Riêng.

Mô hình sản xuất nước mắm sạch (huyện Tuy An), chả cá an toàn (TX Sông Cầu), làm đậu hũ sạch (TX Đông Hòa), nuôi heo sạch (huyện Sông Hinh) cũng được Hội LHPN tỉnh Phú Yên xây dựng và nhân rộng… Cùng với đó, Hội còn vận động chị em tiểu thương ở các chợ thực hiện kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn, nói không với sử dụng hóa chất khi kinh doanh thức ăn… Thông qua đó, các cấp hội hỗ trợ chị em khởi nghiệp, tạo ra thực phẩm sạch, an toàn trên thị trường, tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.