Lương tối thiểu vùng 2022: "Chốt" mức đề xuất tăng 6% từ 1/7/2022

2022-04-20 09:23:50

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng năm 2022 thời gian áp dụng từ 1/7/2022.

>>> Khảo sát tiền lương 2.000 doanh nghiệp xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022

Theo nguồn tin của DĐDN, chỉ sau 2 Phiên đàm phán trong cùng tháng 3 và 4, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 đã được thống nhất mức 6% với đa số phiếu tán thành. Thời điểm áp dụng từ 1/7/2022 tới 31/12/2023.

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng năm 2022 thời gian áp dụng từ 1/7/2022.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng I tăng thêm 260.000 đồng, Vùng II tăng thêm 240.000, Vùng III tăng thêm 210.000 đồng, Vùng IV tăng thêm 180.000 đồng.

Trước đó, Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhất trí với kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu tuy nhiên cần cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh phù hợp.

Theo đó, vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho biết việc điều chỉnh nên tiến hành từ 1/1/2023 vì kế hoạch sản xuất, ngân sách tài chính cho năm 2022 của các doanh nghiệp đã được lập, đặc biệt đối với các ngành thâm dụng lao động, sản xuất hàng xuất khẩu thì các đơn hàng trong tháng 7, tháng 8 thậm chí đến cuối năm 2022 đã được ký kết và chốt giá với khách hàng.

Trong khi đó, thực tế năm 2022 là năm phục hồi, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm vẫn tiếp tục bị “đứt gãy”, thêm vào đó, chính sách “Zero-Covid” của một trong những thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã gây thêm nhiều áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với thị trường có nguồn nguyên liệu đầu vào và mậu biên phụ thuộc nhiều vào nước này như Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi phí tăng do liên tục có các biến chủng mới của SARS-CoV-2 nên doanh nghiệp vừa sản xuất nhưng vẫn thực hiện nhiều chi phí phòng, chống dịch tại nơi làm việc cũng như các chi phí cho người lao động của doanh nghiệp bị nhiễm bệnh, đồng thời những rủi ro chính trị như vấn đề Nga - Ukraina dẫn đến thiếu lượng cung và giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng khó khăn cho sản xuất gồm cả nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, vận tải, thủy sản... thiếu hụt nguồn cung lao động.

>>> Đề xuất tăng lương tối thiểu 2021 dựa vào "xuất khẩu tăng" là sai lầm!

>>> Hàng loạt Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021

Những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là giai đoạn mà nhu cầu hàng hóa tăng cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn việc điều chỉnh tiến hành từ 1/1/2023.

Trung bình để khôi phục được 50% công suất phải từ 3-6 tháng, khôi phục 70% công suất sản xuất: 9 tháng - 1 năm, khôi phục 100% công suất sản xuất sẽ cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Trong bối cảnh toàn bộ Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đang đẩy mạnh những giải pháp để trở thành động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc xem xét điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/1/2023 ở mức hợp lý để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, để chia sẻ, hài hòa lợi ích các bên của cả người lao động và doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích người lao động nên mức đề xuất tăng 6% được thống nhất đã là một nỗ lực lớn của 2 bên.

“Đặc biệt, với việc này, giới chủ sử dụng lao động sẽ phải điều chỉnh nhiều chỉ tiêu trong bối cảnh nhiều khó khăn do Covid-19 trong 2 năm qua”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Trong khi đó, ở góc độ đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động nhận định, so với kỳ vọng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức tăng chưa đạt được như đề xuất.

“Nhưng đó cũng đã thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ của người lao động trước những khó khăn của doanh nghiệp", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2020, 2021 Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020, với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.