Với nhiều quy định mới lần đầu tiên được bổ sung, theo các chuyên gia, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) năm 2022 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 4 nhóm đối tượng sáng tạo…
>> Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 2: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Được sửa đổi, bổ sung và thông qua vào tháng 6/2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) được cho sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ.
Trong đó, theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những thay đổi quan trọng nhất của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, thể hiện rõ ở quyền đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và kiểu dáng công nghiệp. Đây được gọi chung nhóm 4 đối tượng sáng tạo mang tính kỹ thuật.
Đặc biệt, Luật lần đầu bổ sung quy định quyền đăng ký giao cho tổ chức khoa học công nghệ chủ trì, trong đó quy định rõ về cơ chế báo cáo, quy trách nhiệm tổ chức nghiên cứu khoa học khai thác sáng chế cùng cơ chế phân chia lợi ích với các chủ thể liên quan.
Xây dựng cơ chế mới cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Đây là một điểm mới dẫn tới sự tồn tại song song giữa 2 cơ chế: Ý kiến phản đối của người thứ ba với đơn ký kiểu dáng công nghiệp và một kênh phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Quy định mới có sự khác biệt ở thời hạn cho phép phản đối theo khung 9 tháng, 4 tháng, 5 tháng và 3 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tương ứng được công bố.
Cùng với đó, Luật cũng bổ sung nhiều căn cứ pháp lý mới để phản đối đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng như căn cứ hủy bỏ hiệu lực bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo các chuyên gia, đây là quy định quan trọng theo luật quốc tế giúp cân bằng quá trình hình thành quyền, độc quyền và bảo vệ cho người đăng ký quyền tại Việt Nam.
>> Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 1: "Sai một ly, đi một dặm"
Cũng theo các chuyên gia, việc lần đầu tiên đưa sáng chế mật thành một chế định riêng, nhằm tách riêng giữa sáng chế và sáng chế mật để kiểm soát an ninh, cũng là một trong những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) giúp phân định các đối tượng không phải là sáng chế mật để đưa ra nước ngoài dễ dàng hơn.
Không chỉ có vậy, Luật cũng lần đầu tiên có định nghĩa về tác giả và đồng tác giả, và quy định không công nhận tư cách tác giả, đồng tác giả với những người hỗ trợ, góp ý hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm. Quy định rõ về tư cách hưởng quyền nhân thân đầy đủ (trừ quyền công bố) đối với tác phẩm điện ảnh chỉ được trao cho biên kịch và đạo diễn. Còn tổ chức đầu tư tài chính có thể thỏa thuận với biên kịch, đạo diễn về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm.
Đồng thời, định nghĩa lại tác phẩm phái sinh, trong đó quy định mới theo hướng mở hơn. Trong khi, lần đầu tiên xuất hiện khái niệm “tiền bản quyền”, chỉ áp dụng cho quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, Luật lần đầu tiên mở rộng quy định ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả cho người khuyết tật và mở rộng không ranh giới với không xâm phạm quyền tác giả. Ví dụ, sao chép hợp lý để nghiên cứu khoa học và không có mục đích thương mại, sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong ấn phẩm, sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ.
Sửa đổi định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng, bổ sung quy định thời điểm nhãn hiệu có trước bắt đầu nổi tiếng phải xảy ra trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký để tránh cấp bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng quá rộng.
Chưa kể, quy định về cơ chế quy trách nhiệm/miễn trách nhiệm pháp lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet cũng là một trong những điểm mới lần đầu được bổ sung. Theo đó. cơ chế miễn trách nhiệm quy định tại Điều 198b mang tính chất có điều kiện, ví như dịch vụ lưu trữ nội dung thông tin số (hosting) chỉ được miễn trách nhiệm pháp lý nếu không biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả và có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập đến nội dung thông tin số đó khi biết nội dung đó xâm phạm quyền.
Đánh giá về những điểm mới trong Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) đã thể hiện được tính minh bạch, đầy đủ, rõ ràng sát với thực tiễn, trong đó có các chế định liên quan vấn đề đăng ký nhóm sáng tạo kỹ thuật, cơ quan chủ trì hoạt động nghiên cứu. Điều này sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt.
“Luật mới sẽ đóng góp lớn vào việc giải quyết được cân bằng và lợi ích giữa các chủ thể quyền, đối thủ cạnh tranh như cơ chế hết quyền với quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao, nghĩa vụ chứng minh thời điểm nổi tiếng của nhãn hiệu và đặc biệt quy định mới giải quyết bài toán phức tạp giữa luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh, hay ngăn chặn hành vi lạm dụng...”, Luật sư Hiệp nhấn mạnh.
Cùng với những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), năm 2022 vừa qua, công tác dường như cũng được chú trọng hơn và có những tín hiệu phát triển tích cực. Cụ thể, theo thống kê, năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận 119.605 đơn sở hữu công nghiệp (SHCN), trong đó: 78.480 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 4% so với năm 2021); xử lý được 116.847 đơn các loại, trong đó có 70.431 đơn đăng ký xác lập quyền (giảm 6% so với năm 2021); cấp 43.970 văn bằng bảo hộ SHCN (tăng 12,6% so năm 2021).
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...