Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sau gần 13 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nhất định. Qua một thời gian tiếp thu, chỉnh lý, cho đến nay Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã tăng thêm 3 Chương, 13 Điều; sửa đổi, bổ sung 160 Điều về nội dung và kỹ thuật văn bản để nội dung rõ ràng, mạch lạc hơn so với Dự thảo được Chính phủ trình trước đó tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Sự cần thiết phải chỉnh sửa, bổ sung
Theo các chuyên gia, đây là một đạo luật khá phức tạp, có tác động lớn tới từng tổ chức, cá nhân và nền kinh tế. Việc Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo từ các Bộ ngành, tổ chức, cá nhân; Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa này tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về các TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành. Luật cũng sẽ giúp các TCTD hoạt động một cách lành mạnh, hiệu quả; hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn đổi mới, chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Dự kiến, Dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 27/11 tại Kỳ họp thứ 6 này.
Doanh nghiệp nói gì?
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân giảm từ 5% xuống 3%, của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% và của nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15% tại Điều 54 của Dự thảo; cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan, được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại chúng trong sở hữu các TCTD, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho các ngân hàng là giải pháp chưa phù hợp vào thời điểm này. Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ sở hữu tối đa ở các mức 5%, 15% và 20% như hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro của hệ thống. Như vậy, dường như quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của Luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung. Thực tế cho thấy, tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra tại một số ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu cao dễ dẫn đến xung đột lợi ích, khiến hoạt động cấp tín dụng thường được điều hướng vào cho các khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó mới gây mất an toàn cho ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng. Khi sở hữu tỷ lệ vốn quá thấp, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Hơn nữa, việc thay đổi pháp luật theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu sẽ khiến một số cổ đông hiện hữu phải bán lại cổ phần của họ. Điều 198.8 quy định chuyển tiếp của Dự thảo cũng yêu cầu các cổ đông hiện hữu phải có phương án và lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu theo Điều 54 phù hợp với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Điều này không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp.
Về nội dung này, VCCI cho rằng, thay vì giảm tỷ lệ sở hữu, nên quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu từ 3% trở lên đối với cá nhân, 5% đối với tổ chức và 10% đối với nhóm cổ đông. Trong trường hợp vẫn quy định giảm tỷ lệ sở hữu thì không nên áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã sở hữu trước ngày luật này có hiệu lực.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, quy định hạn chế thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) tại Điều 34.2 của Dự thảo được suy đoán là nhằm tránh xung đột lợi ích khi thành viên HĐQT có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định của ngân hàng nhằm có lợi cho doanh nghiệp khác của mình. Tuy nhiên, quy định này cần được cân nhắc một cách thận trọng vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế. Tham gia HĐQT của tổ chức tín dụng không phải là một công việc toàn thời gian, nên những người này thường có công việc khác. Việc hạn chế điều kiện thành viên HĐQT như Dự thảo có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia HĐQT, đặc biệt đối với thành viên độc lập. Theo nhiều doanh nghiệp, mấu chốt vấn đề nằm ở việc kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của TCTD đối với các doanh nghiệp khác mà thành viên HĐQT kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Do đó, biện pháp phù hợp hơn là quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp mà thành viên HĐQT có lợi ích liên quan.
Việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết tại Điều 92.4 của Dự thảo là nghĩa vụ dân sự của khách hàng đối với TCTD. Tuy nhiên, quy định như vậy dễ dẫn đến việc hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế khi có ý kiến cho rằng, việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích là yếu tố cấu thành các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trên cơ sở ý kiến từ các chuyên gia và doanh nghiệp, VCCI cho rằng, để tránh hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế, cơ quan soạn thảo cần làm rõ quy định này theo hướng: Khách hàng có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng cam kết với ngân hàng. Khách hàng có quyền thay đổi mục đích sử dụng vốn nếu được ngân hàng đồng ý hoặc ngân hàng biết mà không phản đối trong một khoảng thời gian hợp lý.
Hệ thống các TCTD đóng một vai trò hết sức quan trọng trên thị trường tài chính, là nơi cung ứng vốn cho nền kinh tế; trong khi Luật Các TCTD có tác động lớn tới không chỉ đối với hoạt động ngân hàng, hệ thống các TCTD mà còn đối với các ngành nghề, thành phần kinh tế và đời sống xã hội. Đồng thời, từ khi Luật các TCTD được ban hành từ năm 2010 đến nay, nhiều Luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán… đã được ban hành mới, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung. Do đó, Dự thảo Luật lần này luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau về các nội dung của Dự thảo Luật./.
Nguồn: Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An)
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...