Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu nhiều điểm sáng trong kinh tế vĩ mô năm 2021 như dự kiến đạt 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%, cả năm ước tăng dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra.
“Thu Ngân sách Nhà nước vượt dự toán, bội chi Ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán (4% GDP), cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác…”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Một số ngành như thông tin truyền thông, viễn thông, bưu chính, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, chế biến, chế tạo liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế… đã tận dụng tốt cơ hội để tăng trưởng…. Tuy nhiên, ông Thanh cũng đề cập tới vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực ngân hàng.
Đáng chú ý trong đó theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp, hài hòa giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.
“ Đề nghị báo cáo rõ hơn các hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, người dân, người lao động và nguy cơ gia tăng nợ xấu”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Báo cáo cũng dẫn khảo sát của Viện Quản trị Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí cao. Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong dịch chỉ giải ngân được 0,26%.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế ghi nhận công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, mặt bằng lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng đạt 7,39% (cùng kỳ tăng 4,99%), dự kiến cả năm khoảng 12%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế (9 tháng tăng 6,05%).
Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và địa phương còn hạn chế; công tác phòng, chống dịch vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, sợ chịu trách nhiệm ở một số nơi; việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển, công tác phối hợp tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Theo Ủy ban Kinh tế, một số chính sách ban hành, thực hiện chưa tương xứng với tính chất phức tạp, dài hạn và quy mô tác động lớn của dịch COVID-19, tiếp cận chính sách còn khó khăn, tỷ lệ giải ngân một số gói hỗ trợ đạt thấp; còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng.
"Các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ từ năm 2020 tới nay ước đạt khoảng 4% GDP; cần báo cáo bổ sung đầy đủ hơn các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch để phân tích, đánh giá kỹ hơn quy mô, mức độ phù hợp của các gói hỗ trợ, làm cơ sở hoạch định chính sách cho giai đoạn tới" , ông Thanh phát biểu.
Công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công quá chậm và chưa đạt kết quả như yêu cầu. Chưa tận dụng được sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán để đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút nhà đầu tư tiềm năng.
Cũng liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả việc áp dụng phương thức “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”; việc yêu cầu xét nghiệm nhiều lần, giá xét nghiệm cao... đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Về người lao động, báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá số lao động mất việc làm, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; số lượng lao động có việc làm phi chính thức gia tăng. Đề nghị báo cáo cụ thể, thực chất tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chuyên gia với số lượng lớn tại một số địa phương, khu công nghiệp.
Trước đó, tin vui mà cộng đồng doanh nghiệp mong ngóng là ngày 19/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 (Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH). Theo tính toán của Chính phủ tại tờ trình trước đây, ước tổng gói hỗ trợ miễn, giảm thuế lần này khoảng 21.300 tỷ đồng.
Nghị quyết quy định các trường hợp miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cả các đối tượng cá nhân cụ thể. Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 30% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh từ ngày 1/11/2021 đến 31/12/2021.
Nghị quyết cũng quy định miễn tiền chậm nộp phát sinh của năm 2020-2021 với các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với doanh nghiệp bị lỗ trong năm 2020. Trường hợp doanh nghiệp đã trả tiền chậm nộp thì không được thoái hoàn.
Giao Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện nội dung nghị quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn đề nghị rà soát, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào. Đồng thời Chính phủ cũng được giao nghiên cứu phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động; phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi dịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp