Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần… “gạn đục khơi trong”

2022-06-10 08:54:00

Trước hàng loạt những tồn tại và bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây, chuyên gia cho rằng, cần “gạn đục khơi trong” để thị trường sớm được bình ổn…

>> Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tăng trách nhiệm của tổ chức phát hành

Sau vụ việc tiêu cực xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh , mới đây, Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2021 và quý I/2022.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính đã chỉ ra nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành TPDN nhiều nhất, riêng trong năm 2021, nhóm 20 doanh nghiệp này đã vay nợ qua phát hành TPDN lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, lãi vay từ 8 -12,9%/năm, thậm chí, có doanh nghiệp còn phát hành lượng TPDN gấp 47 lần vốn chủ sở hữu.

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập của thị trường TPDN - Ảnh minh họa

Những doanh nghiệp có lượng phát hành TPDN lớn trong danh sách này có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát 8.000 tỷ đồng, Công ty cổ Tập đoàn Địa ốc No va (Novaland) phát hành 6.938 tỷ đồng, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phát hành 6.000 tỷ đồng.

Và nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tỷ lệ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu như: Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ đồng nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng TPDN, gấp 47 vốn chủ sở hữu.

Hay Công ty Osaka Garden, năm vừa qua doanh nghiệp này phát hành 7.700 tỷ đồng TPDN nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số tên tuổi có thể kể đến như: Công ty CP đầu tư Golden Hill; Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An; Công ty CP vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang; Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence…

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), hiện có 3 dòng vốn chính cho doanh nghiệp bất động sản thì 2 dòng đang bị “bóp” là tín dụng và trái phiếu. Kênh huy động từ khách hàng cũng đang “tắc” thì làm sao doanh nghiệp bất động sản tồn tại? Ngoài ra, trái phiếu “rác” trong lĩnh vực bất động sản làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp.

“Vì vậy, cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để có thể cởi trói cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu lành mạnh”, ông Châu đề xuất.

>> “Bắt mạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Trước đó, chuyên gia kinh tế - Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, thị trường TPDN Việt Nam không phải thị trường thật sự. Việt Nam phải xây dựng hệ thống giống thông lệ quốc tế, phải lành mạnh, minh bạch.

Cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để có thể cởi trói cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu lành mạnh - Ảnh minh họa

Xoay quanh những tồn tại của thị trường TPDN liên quan đến nhà đầu tư, thông tin với báo chí, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, điều quan trọng không phải là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cao mà là nhà đầu tư có đạt chuẩn hay không, bởi bản chất của trái phiếu riêng lẻ là tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Do ham lãi suất cao, được tư vấn không chính xác nên nhà đầu tư không đạt chuẩn tham gia cho vay nhiều từ đó nguy cơ gây những hệ lụy, rủi ro cho thị trường. Việc sửa luật như tăng chuẩn quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ là một phần, vì họ vẫn có cách lách nếu lãi suất cao và rủi ro vẫn còn hiện hữu.

“Để xử lý triệt để vấn đề này, kiểm soát những nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thật sự tham gia đầu tư TPDN riêng lẻ, cần có quy định để xử lý cả những đối tượng hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân vi phạm, như các Công ty chứng khoán lôi kéo, mời chào, tư vấn không đúng khiến nhà đầu tư hiểu sai bản chất của trái phiếu riêng lẻ…”, bà Bình nêu ý kiến.

Theo bà Bình, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu định hướng các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào những định chế đầu tư chuyên nghiệp để giảm độ rủi ro khi tham gia thị trường, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên.

Để lành mạnh hóa thị trường TPDN, PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước hết cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát những văn bản liên quan đến việc phát hành trái phiếu; tổ chức thực hiện nghiêm túc văn bản quy phạm pháp luật, rà soát là cần thiết, nhưng vẫn phải định hướng thúc đẩy việc phát triển trái phiếu, cổ phiếu bất động sản.

“Ngoài ra, phải thực thi nghiêm minh chế tài xử lý sai phạm của doanh nghiệp, đảm bảo cho thị trường trái phiếu hoạt động lành mạnh nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ vốn để nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng phát triển”, ông Chung kiến nghị.

Và mới đây, xoay quanh câu chuyện TPDN, đặc biệt là TPDN bất động sản, tại Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Thanh Nghị cũng cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ phát hành TPDN bất động sản, nhất là trái phiếu riêng lẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, để kiểm soát việc phát hành TPDN bất động sản (nhất là trái phiếu riêng lẻ), hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, tránh đầu cơ, thao túng… Các cơ quan cần hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định, tạo điều kiện, không làm cản trở hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp có đủ năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh…

Bên cạnh đó, để lành mạnh thị trường TPDN sau những tiêu cực đã xảy ra, nhiều chuyên gia cũng đề xuất, bên cạnh việc sửa đổi khung pháp lý cho phát hành TPDN, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, cơ quan chức năng cần sớm bình ổn lại thị trường, bảo vệ doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo hướng “gạn đục khơi trong”.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.