Việc thiết kế, xây dựng một chiến lược chung cho tất cả các doanh nghiệp có lẽ rất khó, song rất cần định hình hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới với bất ổn, thắt chặt tiền tệ và lạm phát....
>>> Việt Nam có thể đạt tăng trưởng kinh tế như dự báo?
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức và khó khăn chưa từng có, gây nên tác động đáng kể đến sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 dự báo sẽ có xu hướng phục hồi khi các quốc gia đẩy mạnh việc thích ứng, sống chung với dịch bệnh và thực hiện các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch, đẩy mạnh việc mở cửa lại nền kinh tế. Nhìn chung, cỗ xe kinh tế thế giới 2022 sẽ không bị trật bánh nhưng cũng không đồng nghĩa với khả năng tốc độ phục hồi tăng trưởng không chậm lại.
Bên cạnh rất nhiều nhận định lạc quan từ các nhà kinh tế, số liệu thống kê từ Hình 6 cho thấy tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc từ 5,9% vào năm 2021 xuống 4,9% vào năm 2022, do sự giảm tốc của hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc khi Mỹ bắt đầu có xu hướng thắt chặt tiền tệ vì nỗi lo lạm phát còn Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận mạnh tay khi nói không với COVID-19 , cùng với đó cuộc chiến ở Ukraine gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn thế giới. Các quốc gia trên thế giới có những động thái khác nhau tùy thuộc vào ảnh hưởng của từng khu vực.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã có động thái tăng lãi suất đi vay chuẩn lên 0,5 điểm phần trăm vào đầu tháng 5/2022. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai FED trong năm 2022 trong bối cảnh lạm phát tăng lên cao nhất trong 40 năm qua. Tại Châu Âu, chính phủ Pháp dự kiến tăng trợ cấp xã hội và phân phát thực phẩm cho các hộ gia đình nghèo nhằm ngăn sự gia tăng về chi phí sinh hoạt. Tại Anh, chi phí sinh hoạt tăng cao buộc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, do đó ngân hàng trung ương Anh dự báo sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất.
Không chỉ các nền kinh tế phát triển, tại thị trường mới nổi cũng bắt đầu quá trình tăng lãi suất. Ngân hàng trung ương Malaysia đã tăng lãi suất nhằm đối phó với áp lực giá cả và Argentina đã tăng lãi suất lần thứ năm trong năm nay, các ngân hàng trung ương khu vực Mỹ Latinh sẽ mở rộng chiến dịch thắt chặt tiền tệ ngoài những dự kiến ban đầu, sau khi lạm phát tháng 4 đã tăng cao hơn dự báo trước đó.
Theo IMF, lực cản đối với sản lượng dự kiến sẽ rõ ràng hơn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển. Mỹ dự kiến sẽ đạt được mức sản lượng theo xu hướng trước đại dịch vào năm 2022. Ở các nền kinh tế phát triển khác, mức thiếu hụt dự kiến sẽ giảm mặc dù các tác động của chiến tranh có thể làm chậm quá trình này ở Châu Âu. Các nước mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự kiến chịu ảnh hưởng về sản lượng và nhân lực vì vốn nhân lực lớn, hỗ trợ chính sách còn nhiều hạn chế và tiêm chủng chậm hơn các nước phát triển, mức thâm hụt dự kiến giảm nhưng vẫn còn cao so với trước đại dịch.
Ở góc độ chính sách : Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên viễn cảnh vẫn tiềm ẩn những rủi ro và thách thức.
Đầu tiên liên quan đến số ca nhiễm COVID-19 tăng cao có thể gây cản trở cho quá trình khôi phục nền kinh tế trong năm 2022. Bên cạnh đó, các bất ổn khiến nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại, các cuộc xung đột quân sự như trường hợp Nga và Ukraine khiến giá dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí nguồn nguyên vật liệu đầu vào, từ đó gây áp lực lên lạm phát và các chính sách điều hành vĩ mô. Lạm phát tại Việt Nam được dự báo tăng lên mức 3,8% trong năm nay và vừa đúng mức mục tiêu là 4% trong năm 2023, nghĩa là dư địa trong mức chịu đựng đã đạt tới ngưỡng giới hạn.
Gợi ý chính sách đầu tiên để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt thích ứng trong bối cảnh mới, là ""Cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán, ổn định và tính truyền thông kịp thời của các giải pháp trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa". Ảnh: Quốc Tuấn
Cùng với đó, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc phần nào khiến quốc gia này giảm nhịp tăng trưởng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến nợ xấu cũng là một rủi ro cần phải xét đến, đặc biệt là trong trung hạn khi mà tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn của Việt Nam là khoảng 8,2%. Cuối cùng, chương trình ERDP có thật sự hiệu quả và hỗ trợ đúng đối tượng hay không còn phụ thuộc vào cách mà chính sách được triển khai nhanh hay chậm, các thủ tục và quy trình phải tối giản và cần sự đồng bộ của trung ương lẫn địa phương. Như vậy, với tầm nhìn dài hạn, một số gợi ý chính sách để kiến tạo cho các doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:
Cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán, ổn định và tính truyền thông kịp thời của các giải pháp trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Các giải pháp về tài chính, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp cần kịp thời và đúng đối tượng.
Các gói hỗ trợ phải triển khai nhanh chóng, trực diện và rút ngắn quy trình.
Ban hành các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động ở các địa phương quay trở lại tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng cho quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Đổi mới cơ chế, chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp lý mới vừa khuyến khích vừa buộc các doanh nghiệp phải có tư duy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp số hóa toàn diện.
Thực hiện cơ chế thí điểm như hình thức “sandbox” đối với các lĩnh vực mới như FinTech nhằm giúp cơ quan quản lý hiểu và nắm rõ cách thức vận hành và rủi ro có thể gặp phải.
Tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, có thể làm chủ và vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học, công nghệ mới vào nền kinh tế và cụ thể hơn là cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh mới, từ góc độ hoạch định chiến lược đến thực hành trong thực tiễn.
>>> Thắt chặt tiền tệ vào nhóm rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế 2022
Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để lĩnh hội nguồn ngoại lực và kết hợp với nội lực nhằm hướng đến phát triển kinh tế bền vững dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ở góc độ doanh nghiệp: Việc thiết kế, xây dựng một chiến lược chung cho tất cả các doanh nghiệp có lẽ rất khó bởi vì sự khác biệt trong ngành nghề, mô hình, và tư duy quản trị. Tuy nhiên, để định hình hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới thì một số gợi ý sau đây sẽ mang tính khả thi:
Kiểm soát tốt dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì tính thanh khoản.
Tính gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả.
Tận dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ như giãn, hoãn thuế, trợ cấp, hỗ trợ tài
chính, cho vay ưu đãi, tái cấu trúc khoản vay.
Áp dụng số hóa và đổi mới sáng tạo trong hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh, quản lý, v.v.
Đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra, nâng cao tính chủ động và linh hoạt.
Theo dõi tình hình chung của thế giới và dịch bệnh, đồng thời nắm bắt các chính sách của Chính phủ để xây dựng kịch bản thích nghi, ứng phó phù hợp.
Tìm kiếm và mở rộng các kênh đầu tư và kênh huy động vốn.
Thay đổi các chiến lược trước đây để thích nghi với bối cảnh hậu Covid-19, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ dựa vào xu hướng phát triển theo mỗi thời điểm để lên chiến lược đa dạng. Để thích ứng trước các hoàn cảnh bất lợi, các doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản ứng phó với trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp, ngoài việc tập trung vào các vấn đề vi mô như trước, cần xem xét mở rộng các ảnh hưởng của vĩ mô. Kiểm soát tốt sự gia tăng các chi phí của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Cần những sức bật mạnh mẽ, đồng bộ, có sức lan tỏa giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Khi đó, chính phủ và doanh nghiệp cần đảm bảo tính chủ động, đưa ra những chiến lược, chính sách kịp thời, có tính đón đầu trước xu hướng. Đồng thời, phải có mối tương tác lẫn nhau, doanh nghiệp phải sẵn sàng và chính phủ cũng cho thấy vai trò kiến tạo, giám sát.
(*PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo-Ths Tô Công Nguyên Bảo - Trần Nhật Hoàng)
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...