Theo nhiều chuyên gia, thời khắc khủng hoảng đã điểm. Nhưng bức tranh kinh tế toàn cầu không quá tối tăm như nhiều người nghĩ.
>> “Xung lực” định hình kinh tế toàn cầu
Ngoài một số nền kinh tế gặp khó khăn trong năm nay, vẫn có những nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng tích cực, như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Khủng hoảng kinh tế lần này rơi vào các nền kinh tế phương Tây với áp lực lạm phát cao và thắt chặt tiền tệ. Ngoài ra, kinh tế toàn cầu còn bị tác động tiêu cực bởi khủng hoảng năng lượng và lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng, đổ vỡ hàng loạt mối quan hệ kinh tế song phương rường cột.
Lãi suất thấp, nhu cầu tăng trưởng “nóng” từ Trung Quốc, địa chính trị ổn định là những yếu tố then chốt đảm bảo đà đi lên của kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Song bây giờ, trạng thái lý tưởng ấy - một phần biến mất - một phần dịch chuyển.
Điểm đến đầu tiên là Ấn Độ, nền kinh tế được Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm nay. Ấn Độ sở hữu lực lượng lao động khoảng 1 tỷ người sẵn sàng được thử thách trong môi trường công nghiệp hiệu suất cao và đang đạt đến độ chín muồi với mức lương chỉ bằng 1/5 tại Trung Quốc.
Một trong những lực hút hấp dẫn là kế hoạch “Make in India” của Thủ tướng Narendra Modi đã đào tạo 1,5 triệu kỹ sư công nghệ cao. Do vậy, Apple đã quyết định chuyển một phần lớn dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh iPhone sang đất nước này.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản tự tin đưa ra con số tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 571,9 nghìn tỷ Yen (khoảng hơn 4.400 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, Tokyo đang thực hiện chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng” hỗ trợ chương trình “chủ nghĩa tư bản hiện đại” của Thủ tướng Fumio Kishida.
Triển vọng tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm nay nhờ sự phục hồi của lĩnh vực du lịch, dịch vụ và chính sách tăng lương cho người lao động của các doanh nghiệp trong nước vào đợt điều chỉnh trong quý I/2023. Đặc biệt, nước này đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng. Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội mới cho khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
>> Kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái
Nhiều chuyên gia cùng thống nhất quan điểm, Trung Quốc sẽ phục hồi kinh tế kể từ quý II/2023 sau khi dính đòn choáng váng thời kỳ hậu zero COVID. Liên Hợp Quốc dự báo nền kinh tế số 2 thế giới đạt mức tăng 4,8% cho cả năm 2023.
Bùng nổ tiêu dùng quốc nội sau khoảng thời gian dài bị giam hãm bởi chính sách zero COVID; lượng khách du lịch khổng lồ từ Trung Quốc sẽ đem đến triển vọng ăn nên làm ra cho ngành “công nghiệp không khói” Đông Nam Á. Quan trọng nhất là đầu mối chuỗi cung ứng ở Trung Quốc dần hồi sinh sẽ nối lại kênh thương mại tỏa ra khắp thế giới.
Toàn cầu kết thúc năm 2022 với rất nhiều nỗi lo ngắn hạn lẫn dài hạn, nhưng quy mô kinh tế Việt Nam vẫn tăng thêm 8,02%. Đó là con số vĩ mô đáng mơ ước, và là điểm tựa tinh thần củng cố niềm tin rằng, Việt Nam đủ sức vượt qua khó khăn.
Địa chính trị- kinh tế Việt Nam ngày càng ứng vào vùng lõi tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương: Cận biên với Trung Quốc, có quan hệ tốt đẹp toàn diện với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Đây là những lý do để hy vọng chúng ta có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tăng trưởng chung.
Điểm tựa của kinh tế Việt Nam là chính sách tiền tệ linh hoạt, cụ thể ở đây là khả năng điều chỉnh lãi suất điều hành hợp lý, giúp đồng Việt Nam vẫn giữ được thăng bằng khi đồng USD liên tục “thủng trần”.
Phải đến những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam mới bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, khả năng chống chịu ảnh hưởng bên ngoài khá tốt.
Khả năng chuyển đổi thị trường thương mại cũng là điểm đáng chú ý, chúng ta không còn phụ thuộc hầu hết vào thị trường Trung Quốc như vài năm trước. Một loạt chuyến công du cuối năm 2022 của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội sẽ mở ra thêm rất nhiều thị trường mới.
Xuất khẩu vẫn là rường cột của kinh tế Việt Nam, chiếm đến 90% GDP, trong đó ngành sản xuất chế tạo đóng góp khoảng 1/4 GDP. Tuy nhiên theo tính toán, các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU sẽ phải mất ít nhất 6 tháng để xử lý hết hàng tồn kho dư thừa. Vì thế, các đơn đặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản, nhất là Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang mở cửa trở lại.
Ngoài ra, Việt Nam cần có chính sách thu hút FDI trong bối cảnh làn sóng FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc, và Ấn Độ đang là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, cần sàng lọc dự án FDI để đánh giá liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam cũng như những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là các tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm...
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...