Kim ngạch thủy sản 2022 của Việt Nam sẽ cán mốc kỷ lục 11 tỷ USD?

2022-11-27 20:17:01

Với mức tăng trưởng mạnh trong 11 tháng đầu năm, khả năng kim ngạch toàn ngành thủy sản 2022 lần đầu đạt 11 tỷ USD.

Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt kim ngạch 10 tỉ USD ngay trong tháng 11 và hết năm 2022 có thể đạt mức 11 tỉ USD.

Đây là thông tin rất vui được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ.
Ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP cho biết sẽ có lễ mừng "tin vui" về xuất khẩu thủy sản này dự kiến vào đầu tháng 12, tại TP. Hồ Chí Minh.

>>> Xuất khẩu thủy sản: Số hóa để khắc phục “thẻ vàng” IUU

Xuất khẩu thủy sản năm nay dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỷ USD và đang cố gắng tăng lên trong năm 2023

Sau đại dịch COVID-19, ông Hòe cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn, kim ngạch xuất khẩu tới cuối tháng 11 đã cán mốc 10 tỉ USD và hết năm 2022 dự báo cán mốc 11 tỉ USD.

Trong đó, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỉ USD (tăng 30%), xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỉ USD (tăng hơn 80% cùng kỳ năm 2021) và có thể đạt mức 2,5 tỉ USD trong năm nay. Tương tự, sản phẩm cá ngừ lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD.

>>> Xuất khẩu thuỷ sản “về đích” sớm

Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, EU, Mỹ và Trung Quốc chiếm 60% thương mại thủy sản toàn cầu và 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD, Anh trở thành thị trường lớn thứ 7. Nhìn chung, tất cả nhóm ngành thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân 18-77%.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết sẽ có lễ mừng "tin vui" kim ngạch thủy sản lần đầu tiên cán mốc 10 tỉ USD

Để có thể đạt được mức kim ngạch xuất khẩu thủy sản “kỷ lục” này, ông Hòe cho biết nhờ Việt Nam có sự chủ động trong vấn đề nguyên liệu và sản xuất. Cụ thể, khi thế giới vào giai đoạn cao trào của dịch COVID-19, doanh nghiệp thủy sản vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ cần tiếp tục nuôi trồng thủy sản trong thời điểm đó và điều này trở thành vấn đề giúp phục hồi sau đại dịch rất nhanh.

Ngoài ra, còn có sự linh hoạt, kiên trì đối với thị trường và xu hướng tiêu dùng. "Khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng không ra đường được nên phải ăn thủy sản tại nhà, mình đã chuyển dịch kịp thời, đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng xuất khẩu", ông Hòe nói.

>>> Thúc đẩy giao thương cho các doanh nghiệp chăn nuôi, thuỷ sản

Có thể thấy, dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội không ít, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia thì ngành phải vượt qua những thách thức.

Ông Hòe cũng chia sẻ, cần quan tâm tạo ra một hệ thống quan trắc tốt nhất nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi trong quá trình họ nuôi trồng thủy sản. Rất quan trọng là vấn đề quy hoạch một diện tích đất tương ứng để phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản, cần phải có một chính sách nhất quán và tính đến chuyện lâu dài, trên cơ sở đó người ta có thể canh tác một cách ổn định và có được sự đầu tư đúng mức trong hoàn cảnh hiện nay.

Kỳ vọng trong thời gian tới, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho rằng cần mạnh dạn đưa ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản 20 tỉ USD vì nhu cầu thế giới còn rất lớn.

"Với tiềm năng, khả năng phát triển ta có thể làm được. Với sự tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, giảm nguồn lợi từ khai thác, chúng ta có thể hy vọng đạt được mức này ở một thời gian nào đó và cần nỗ lực để đạt được", ông Hòe nói thêm.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.