“Kiềng ba chân” của doanh nghiệp

2022-11-05 10:02:00

Quản trị là khoa học tương đối, hiệu suất ngắn hạn đôi khi chỉ là sự níu kéo thất bại, nói như Tôn Tử.

Hài hòa cả ba trụ cột năng lực của doanh nghiệp: bán hàng, trí tuệ, con người, sẽ cần một năng lực nhận thức sâu rộng hơn của lãnh đạo và đội ngũ, là mô hình gợi mở cho các CEO trong bối cảnh hiện nay.

Doanh nghiệp phát triển hôm nay cần dựa trên 3 năng lực: 1. Năng lực bán hàng hay sản xuất, 2. Năng lực trí tuệ, 3. Năng lực con người.

Năng lực bán hàng: sự nhạy bén và khả năng thích ứng.
Năng lực trí tuệ: Trí tuệ của các cá nhân đúc kết thông qua học hỏi, trau dồi và đào tạo phát triển.
Năng lực con người: Doanh nghiệp tạo ra hạnh phúc đến nhân sự, giải quyết các vấn đề về con người, tạo ra môi trường làm việc lành mạnh.

Tập trung bán hàng

Năng lực bán hàng hay sản xuất là thứ rất quan trọng, thu tiền về giúp ích hữu hiệu công ty phát triển, nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp 5 năm đầu tiên. Doanh nghiệp tập trung vào trụ cột bán hàng có thể thu lợi nhuận nếu gặp đúng sóng thị trường. Nhưng công ty đứng một chân có hạn chế là suy thoái nhanh khi thị trường biến động, qui mô nhân sự và doanh số có khi tụt nhanh hơn cả tốc độ suy thoái của thị trường.

Tuy nhiên, do những niềm tin từ những thành công ban đầu, nên không ít CEO vẫn bám chặt mô hình tư duy quản trị này. Biểu hiện của mô hình này là đội ngũ bán hàng chiếm tỷ trọng đa số trong công ty, chính sách thưởng cao theo doanh số, bộ máy tuyển dụng lớn, CEO & HRD thu thập thử nghiệm rất nhiều kiến thức mô hình công cụ quản lý nhưng không sâu và không chuyển được thành tri thức tổ chức.

Nhưng đừng quên con người

Thường khi quy mô tổ chức lớn lên thì tổ chức mất tính hệ thống, cạnh tranh nội bộ, đấu đá đố kị, nhân sự rời bỏ đi. Thông thường khi quy mô tổ chức đạt đến 150 người trở lên thì nó cần vận hành trên hệ tri thức hệ thống riêng, chứ không dễ để giữ đội ngũ bằng hứa hẹn lợi ích và cảm xúc, hay áp đặt công cụ. Thiếu chiều sâu tri thức tổ chức riêng, thì khi qui mô càng tăng, lợi ích thu được sẽ càng giảm, niềm tin sự gắn kết của từng cá nhân cũng suy giảm hời hợt theo.

Hơn nữa, con người thế kỷ 21 nhất là thế hệ nhân sự GEN Z có nhu cầu rất đa dạng. Môi trường lành mạnh, hạnh phúc, chia sẻ tích cực, tham gia hiện thực hóa sứ mệnh công ty gắn với công nghệ, cũng như được ngưỡng mộ tự hào về các giá trị sống của công ty và lãnh đạo công ty trong xã hội.

Quản trị là khoa học tương đối, hiệu suất ngắn hạn đôi khi chỉ là sự níu kéo thất bại, nói như Tôn Tử.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.