Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

2022-10-16 15:36:00

Ngành công nghiệp hỗ trợ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, do đó cần sớm có những cơ chế, chính sách tháo gỡ nhằm đưa các doanh nghiệp tham gia được sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu…

Đó là ý kiến của các chuyên gia liên quan tới những kiến nghị về vướng mắc, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ .

>>Kiến nghị Bộ Công Thương gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Các doanh nghiệp còn chưa tiếp cận các chính sách ưu đãi. Ảnh: Q.K

Theo đó, thực trạng hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều khó khăn khi đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khó phục hồi hơn sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong đó, với các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, một trong những khó khăn được phản ánh là việc đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn nhiều khó khăn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công lao động và những dịch vụ khác tại Hà Nội cao.

Cụ thể hơn về vấn đề này, ông Lê Quý Khả, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO cho biết, từ nay đến năm 2023, các khó khăn với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung vẫn tiếp diễn, nhất là sức ép từ tình hình tài chính, lạm phát trên thế giới có thể tác động tới Việt Nam. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đang điều hành rất tốt, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng vẫn sẽ có tác động nên sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước chỉ là phụ, doanh nghiệp tự lực mới là vấn đề chính yếu.

Ngoài ra, ông Khả cũng nhận định, doanh nghiệp còn gặp khó khăn do chính sách thường xuyên thay đổi. Mặc dù những thay đổi này đa phần phù hợp, nhưng các doanh nghiệp thường có độ trễ để bắt kịp. Đơn cử như với không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, việc xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị thường mất 2-3 năm, đến khi đi vào hoạt động lại không còn phù hợp với chính sách hiện hành đó có sự thay đổi tạo thành rủi ro rất lớn.

Do vậy, ông Lê Quý Khả kiến nghị, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cần nâng cao các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bắt kịp các chính sách kịp thời.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về việc phối hợp cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp hơn với những ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi độ chính xác cao cũng như đáp ứng việc dịch chuyển công nghệ từ các nhà máy sản xuất đa quốc gia đến Việt Nam.

>>Ngân hàng gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba) đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng Luật công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đạt tỷ trọng 5-10% tổng số doanh nghiệp vào năm 2025.

Vị này cũng cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không thể dàn trải, mà cần quy hoạch thành từng vùng kinh tế cụ thể, phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì… Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng mong muốn có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn vì hiện nhiều điều kiện trong vay vốn về lãi suất, tài sản đảm bảo... vẫn là trở ngại với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

“Cần thành lập quỹ tài chính dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đây sẽ là quỹ mở để thu hút mọi nguồn hỗ trợ trong nước và quốc tế cùng đầu tư”, ông Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dù đã có các nghị định, thông tư về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn cần một bộ luật riêng để được hỗ trợ nhiều hơn, giúp các chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần nâng cao năng lực, công nghệ để tránh phụ thuộc, liên kết phát triển trở thành doanh nghiệp đầu chuỗi, không chỉ dừng ở mức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng về phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng còn bày tỏ kiến nghị nghiên cứu thành lập doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc cổ phần với doanh nghiệp tư nhân để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ then chốt; sau một thời gian hoạt động sẽ đấu giá cho tư nhân quản lý phát triển, dẫn dắt và kết nối với các doanh nghiệp khác.

Với những yêu cầu nêu trên, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ rất cần sự hỗ trợ, giúp sức từ các hiệp hội ngành nghề. Chẳng hạn, Hiệp hội các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba) trong thời gian qua đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ đào tạo, liên kết doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại; đưa vào hoạt động Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ; hình thành Tổ hợp công nghiệp hỗ trợ Việt - Nhật trên cơ sở kết quả hợp tác của nhóm doanh nghiệp Nhật Bản (đại diện là công ty Onaga) và các doanh nghiệp hội viên HANSIBA của Việt Nam… để cùng liên kết, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chiếm lĩnh thị phần trong nước và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội cho biết sẽ thúc đẩy xây dựng các nhà xưởng sản xuất xây sẵn tại Khu công nghiệp công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) cho các doanh nghiệp hội viên HANSIBA hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản được thuê ưu đãi, được miễn tiền thuê xưởng 6 tháng, trả chậm sau 18 tháng kế tiếp, giảm chi phí thuê nhà ở công nhân và nhà ở cho chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp...

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.