Kịch bản cho tăng trưởng GDP Việt Nam?

2022-05-16 08:00:12

TS Cấn Văn Lực dự báo, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% còn ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 - 2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%.

>> Kịch bản xanh sẽ đưa GDP Việt Nam đạt 12,9 tỷ USD vào 2025

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đi qua 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan…

Chính sách mở cửa lại du lịch của Việt Nam được xem là một trong những động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, từ đầu năm đến nay, nước ta đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%...

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng rất cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn. Công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu và đa chiều.

Ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6%

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, xét về quy mô, tổng mức hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và các hỗ trợ khác của chương trình phục hồi của Chính phủ vào khoảng 346.800 tỉ đồng, tương đương 4,24% GDP (chưa kể nhiều chính sách hỗ trợ trước đó khoảng hơn 3% GDP).

Theo ông Hiếu, so sánh quốc tế và khu vực thì chương trình của nước ta có quy mô tương đối lớn, phù hợp tình hình - hoàn cảnh trong nước với yêu cầu kiểm soát rủi ro vĩ mô.

Để thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính.

Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu chương trình.

>> Kinh tế quý I/2022 khả quan, GDP tăng 5,03%

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, để chương trình thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp.

“Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới”.

Dựa trên phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cập nhật dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023.

Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này. Ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 - 2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%. Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng, chống dịch; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga - Ukraina.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.