Nhóm nhà khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân, trong đó có Hiệu trưởng GS.TS Phạm Hồng Chương, PGS.TS Tô Trung Thành và các chuyên gia, vừa đưa ra một số đánh giá và nêu các kiến nghị chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Chính sách hỗ trợ còn nhiều hạn chế
Theo đó, nhóm chuyên gia nhận định, làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế.
Trong thời gian qua Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn để hạn chế sự lây lan bùng phát của đại dịch COVID-19. Đợt bùng phát lần thứ 4 đã tạm thời lắng xuống, nhiều địa phương đã từng bước nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp và người lao động đang dần quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế hiện đang đứng trước yêu cầu hồi phục kinh tế một cách vững chắc trong bối cảnh chấp nhận “sống chung với COVID-19”. Tuy nhiên, nhiều vấn đề, trong đó có những điểm nghẽn lớn về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; an sinh xã hội và nguồn lao động.
Trước hết, nhóm các nhà khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, chính sách tiền tệ, lãi suất cho vay mặc dù đã được giảm nhưng vẫn còn ở mức cao và cao hơn so với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay khách hàng là hộ thoát nghèo và hộ cận nghèo của NHCS gần tương đương lãi suất cho vay khách hàng của các NHTM.
Công cụ dự trữ bắt buộc chưa được NHNN điều hành linh hoạt nên chưa phát huy hiệu quả trong việc tăng khả năng cung ứng tín dụng, giảm chi phí tín dụng, tăng khả năng tạo tiền để từ đó tác động làm giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.
Điều hành lãi suất của NHNN chưa có tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. NHNN vẫn phải thông qua đầu mối Hiệp hội Ngân hàng để kêu gọi, thuyết phục các NHTM giảm lãi suất cho vay, giảm lãi suất đối với khách hàng.
NHNN duy trì quá lâu công cụ hành chính đó là Hạn mức tín dụng, thậm chí là thông báo kế hoạch “nhỏ giọt”, tạo ra cơ chế xin cho của NHNN đối với NHTM.
Phản ứng trong điều hành chính sách của NHNN vẫn có lúc chưa kịp thời, nhất là tái cấp vốn cho vay lúa gạo, cho vay hãng hàng không và mới chỉ tạo điều kiện cho Vietnam Airlines (VNA), còn các hãng khác chưa được hưởng lợi tử chính sách.
Do tác động của đại dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu kể cả nợ đã trích dự phòng rủi ro và bán cho VAMC tiềm ẩn tăng cao, đặt ra những thách thức mới trong năm 2022 khi mà các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn và dư địa vận dụng Nghị quyết 42 không còn. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng do tập trung và hỗ trợ phuc hồi phát triển kinh tế - xã hội địa phương giai đoạn mới nên sẽ không quan tâm nhiều đến phối hợp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu. Liều lượng chính sách còn hạn chế và số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.
Thủ tục để nhận hỗ trợ chính sách còn rườm ra, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân và doanh nghiệp. Các văn bản hướng dẫn còn tương đối rắc rối, thiếu tính khả thi. Quy trình thực thi chính sách vẫn đặt nặng vào khâu sàng lọc đối tượng thụ hưởng chính sách ngay từ ban đầu nên mất khá nhiều thời gian trong việc thực thi chính sách.
Các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trực tiếp chưa nắm rõ tinh thần của các văn bản chính sách, một phần là do các quy định chưa đủ rõ ràng, một phần là do sợ trách nhiệm của cán bộ nếu xảy ra sai sót, hỗ trợ sai đối tượng và một phần là do sự thiếu hiệu quả của bộ máy hành chính.
Mức độ ứng dụng công nghệ trong việc thực thi chính sách còn thấp, cách tổ chức thực hiện vẫn còn thủ công nên mất tương đối nhiều thời gian để chính sách thực sự đến được với người dân và doanh nghiệp.
Việc tuyên truyền thông tin về chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách và các bước cần thực hiện để được thụ hưởng chính sách còn hạn chế.
Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay tập trung chủ yếu vào miễn, giảm, gia hạn thuế; miễn giảm, các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất. Các gói chính sách này có tác dụng hỗ trợ chi phí, giảm áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi lực cầu trong nền kinh tế còn yếu, cùng với đó là việc doanh nghiệp phải tiêu tốn chi phí không nhỏ để đảm bảo phòng chống dịch, thì tác động của các chính sách này tới sự hồi phục của nền kinh tế là hạn chế.
Tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương không hoàn toàn xuất phát từ lý do dịch bệnh
Hướng ưu tiên nguồn lực đến khu vực doanh nghiệp
Trước thực tế này, nhóm chuyên gia khuyến nghị, trong tình hình hiện nay, cần quán triệt hai quan điểm cơ bản khi đưa ra các chính sách, thứ nhất , các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”, thay vì tập trung theo hướng “ứng phó với COVID-19” và chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch. Điều này phù hợp với chiến lược mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thay vì chiến lược “Không COVID-19”.
Thứ hai , do dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các doanh nghiệp, các khu vực khác của nền kinh tế; các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng. Điều này cũng tạo điều kiện để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội (thông qua doanh nghiệp), đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động.
Với các quan điểm cơ bản trên, nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách cụ, về chính sách tiền tệ , thứ nhất , trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, tới đây sẽ là mục tiêu và kế hoạch của năm 2022, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm (12%), nếu không ít nhất cũng phải đạt trên 10%.
Thứ hai , NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Bởi vì, chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống, đồng thời tang khả năng tạo tiền, tang tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.
Thứ ba , NHNN nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng lành mạnh của các tổ chức tín dụng đó. Tránh tình trạng nặng nề về thủ tục và can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho để được mở zoom tín dụng.
Thứ tư , NHNN chỉ đạo và giám sát các TCTD tiếp tục giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; các TCTD thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Thứ năm , NHNN chỉ đạo giảm lãi suất cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo của NH CSXH; đổng thời mở ra chương trình cho vay vốn tạo việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thông qua NH CSXH. NHNN mở rộng kênh tái cấp vốn để NHTM cho vay các Hãng hàng không khác, để NH CSXH cho vay vốn người lao động mất việc làm.
Về chính sách tài khóa , nhóm chuyên gia khuyến nghị, trước hết ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách hỗ trợ người lao động di cư phải thuê nhà nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động khi trở lại trạng thái bình thường mới. Cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với đối tượng người lao động di cư không có đăng ký và người lao động tự do trong khu vực phi chính thức. Bổ sung các hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn ngân sách cho các đối tượng dễ tổn thương (người cao tuổi, trẻ em, người yếu thế, v.v.).
Thứ hai , ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách nhằm hỗ trợ các chi phí phòng dịch, các chi phí tái tổ chức hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ban hành hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán chi phí phòng chống dịch, tái tổ chức sản xuất vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba , trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn vào các doanh nghiệp quy mô lớn, có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không hỗ trợ dàn trải, bình quân, liều lượng hỗ trợ thấp. Đồng thời dư địa chính sách cũng không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng.
Thứ tư , gia tăng liều lượng, thời gian hỗ trợ đối với các gói chính sách hiện tại về chậm nộp, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền điện, bảo hiểm xã hội v.v.
Thứ năm , ban hành và thực thi các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Thứ sáu , phối hợp với các chính sách tiền tệ nhằm đàm bảo dòng tiền, khả năng thanh khoản của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tầu.
Thứ bảy , đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Tập trung tháo gỡ các nút thắt về thể chế và giải phóng mặt bằng trong thực hiện các dự án này. Việc bố trí vốn cần đảm bảo tính tập trung để thực hiện dứt điểm từng dự án.
Thứ tám , đẩy mạnh ứng dụng và nhanh chóng cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong triển khai các gói chính sách hỗ trợ.
Thứ chín , tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành. Các quy trình, giai đoạn thẩm định cần được đơn giản hóa hết mức, đặc biệt là đối với người dân, nhưng tập trung vào giai đoạn hậu kiểm và các chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi chính sách.