Theo ông NGUYỄN QUANG VINH - Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững: Tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” được truyền tải rõ nét trong CSI 2021.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và kế hoạch nửa cuối năm 2021 vừa được Chính phủ trình Quốc hội đã phản ánh thực trạng sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị suy giảm bởi dịch bệnh.
Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 25%. Cuối tháng 4, khi đại dịch bùng lên tại một số địa phương “mũi nhọn” kinh tế ở phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, các chuyên gia đánh giá kinh tế sẽ bị tác động về mảng công nghiệp, chế biến chế tạo, nhưng kinh tế chung vẫn còn nhiều điểm tích cực.
Tuy nhiên, khi gần đây dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến TP HCM và các tỉnh phía nam, vốn là trung tâm kinh tế của cả nước thì bức tranh kinh tế đã chuyển sang gam màu xám hơn.
- Vậy ông dự báo như thế nào về bức tranh kinh tế những tháng cuối năm 2021?
Từ giờ đến cuối năm, triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19, giải ngân vốn đầu tư công và sự hỗ trợ từ Chính phủ về tài chính, nới lỏng các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cần lưu ý rằng tác động của làn sóng dịch thứ 4 này đến sức khỏe của doanh nghiệp cũng rất khác so với các làn sóng trước. Giai đoạn dịch trước đây gây đứt gãy chuỗi cung cầu, doanh nghiệp của chúng ta có khả năng duy trì vận hành sản xuất nhưng không tìm được thị trường đầu ra. Tuy nhiên, giờ đây, khi các quốc gia có kế hoạch mở cửa, đơn hàng cho doanh nghiệp nhiều hơn, thì lại không sản xuất được.
- Theo ông, đâu là giải pháp để hạn chế khả năng đứt gãy chuỗi cung- cầu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp?
Trước tiên chúng ta cần kiểm soát tốt dịch bệnh, thông qua thực hiện triệt để 5K và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đại trà, có thể ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm. Để có thể thực hiện được “mục tiêu kép”, Chính phủ sẽ cần thiết kế những giải pháp bứt phá hơn, phù hợp với đặc điểm của từng ngành/ lĩnh vực kinh tế trọng yếu và đặc biệt là cần tính đến lộ trình khôi phục của nền kinh tế sau đại dịch.
Đối với doanh nghiệp, bên cạnh ưu tiên trước mắt là vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vừa chống dịch an toàn, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp có thể tận dụng triệt để thời gian này để rà soát lại hoạt động quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc doanh nghiệp một cách tối ưu hơn. Đây chính là bước đệm vững chắc để doanh nghiệp có thể hồi phục nhanh hơn và vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh, nắm bắt được các cơ hội kinh doanh mới khi đại dịch đi qua.
Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp để quản trị hiệu quả, minh bạch và xa hơn là phát triển bền vững. CSI được VCCI phối hợp với các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu xây dựng trong 3 năm và được giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2016. Là bộ chỉ số duy nhất bằng tiếng Việt, CSI luôn được cập nhật và điều chỉnh hàng năm để phù hợp với những thay đổi trong các quy định pháp luật trong nước và tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh nghiệp có thể tự mình soi chiếu vào 119 chỉ tiêu được chia thành các nhóm chỉ tiêu: quản trị, xã hội, môi trường của CSI để đánh giá sức khỏe nội tại của doanh nghiệp. Hiện nay, chúng tôi cũng sử dụng CSI làm thước đo mức độ phát triển bền vững của những doanh nghiệp tham gia Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững hàng năm.
- Để hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, CSI năm nay có những điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
Chương trình CSI là một chương trình được đầu tư công phu và thực hiện rất bài bản, nghiêm túc. VCCI đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Tổng Liên đoàn Lao động triển khai từ năm 2016, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có trách nhiệm và biểu dương các doanh nghiệp làm tốt.
Tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được truyền tải rất rõ nét trong mùa CSI 2021. Cụ thể, trong Bộ chỉ số CSI 2021, chúng tôi đã phân cấp các chỉ số ra thành 3 cấp độ dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau. Chỉ số ký hiệu M dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho doanh nghiệp vừa và lớn, và Chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện việc doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ pháp luật thì còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh đảm bảo các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác.
Như vậy, 98% doanh nghiệp Việt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có thể áp dụng Bộ chỉ số CSI, hay nói cách khác mọi doanh nghiệp đều có thể thực hiện kinh doanh bền vững.
Cùng với đó, năm nay chúng tôi cũng đưa ra 02 giải phụ để tìm kiếm và biểu dương những doanh nghiệp làm tốt “Bình đẳng giới tại nơi làm việc” và đảm bảo tốt “Quyền trẻ em trong kinh doanh”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ban tổ chức Chương trình đã nhận được hơn 250 hồ sơ tham dự của doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh hiện gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động vận hành của doanh nghiệp, đồng thời cũng cho thấy nhận thức và mức độ quan tâm của doanh nghiệp đến phát triển bền vững cũng đã được nâng cao rất nhiều.
Đầu tháng 7, chúng tôi đã tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến về quản trị doanh nghiệp minh bạch, hiệu quả và áp dụng Bộ chỉ số CSI, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình khai Bộ chỉ số CSI 2021 khi tham gia Chương trình.
- Trân trọng cảm ơn Ông!
Nguồn: Tạp chí DDDN.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...