Kết nối doanh nghiệp và cơ sở đào tạo: Cần thành lập Hội đồng kỹ năng nghề

2022-12-11 08:56:00

Theo thống kê hiện nay chỉ có 8% doanh nghiệp có sự hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề.

Việt Nam cần thành lập Hội đồng kỹ năng nghề làm đầu mối đào tạo nghề gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Lao động thiếu kỹ năng

Hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi thấy, lực lượng lao động thiếu kỹ năng và chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá lớn. 78,3% lực lượng lao động không qua các chương trình đào tạo nghề ngay cả ở trình độ sơ cấp từ 3 đến 12 tháng. Chúng tôi nhận thấy cơ bản đội ngũ lao động mới khi tham gia thị trường lao động còn thiếu rất nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng về ngôn ngữ, truyền thông, đạo đức nghề nghiệp và nhiều kỹ năng khác.

Trong khi đó, nhu cầu của nền kinh tế cho lực lượng có tay nghề và kỹ năng là cao, đặc biệt với các ngành công nghiệp, những doanh nghiệp tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, cho tới những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Họ rất cần những lực lượng lao động có kỹ năng.

Chúng tôi nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy nhiều hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo. Doanh nghiệp nên đóng vao trò tích cực và dẫn dắt trong việc điều chỉnh các chương trình đào tạo, đánh giá trình độ sinh viên, trong việc hướng dẫn sinh viên thông qua cung cấp các chương trình đào tạo tại doanh nghiệp.

Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những đối thoại xã hội với sự tham gia của đại diện rất nhiều đơn vị liên quan. Làm sao để những doanh nghiệp địa phương có thể tiếp cận dễ dàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần “mở lòng” hơn nữa để tiếp nhận các khuyến nghị từ doanh nghiệp.

Theo đó, họ cần thiết lập cơ chế nền tảng ví dụ như cơ chế mà chúng tôi đang hỗ trợ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ chế đó được gọi là Ban cố vấn ngành với sự tham gia của doanh nghiệp, ban lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thậm chí là sự tham gia của đại diện Sở LĐ-TB&XH, đại diện sinh viên. Họ sẽ cùng trao đổi và hợp tác về tất cả các vấn đề liên quan tới phát triển kỹ năng tại cấp địa phương.

Kinh nghiệm quốc tế

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có những đào tạo viên trong doanh nghiệp. Qua đó những kỹ thuật viên này của doanh nghiệp có thể nhận được các chương trình đào tạo về kỹ năng sư phạm để hướng dẫn sinh viên. Qua đó, doanh nghiệp có thể giúp sinh viên thực tập hoặc tham gia học một phần trong chương trình đào tạo tại doanh nghiệp. Quá trình học tập này sẽ cùng được xây dựng và thiết kế giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tại Đức, họ xây dựng “hệ thống giáo dục nghề nghiệp kép” có sự tham gia của các bên là Chính phủ, Liên đoàn Lao động, Hiệp hội doanh nghiệp, phòng Thương mại và đối tác xã hội. Từ đó, chúng tôi giới thiệu lộ trình học tập và đào tạo kép, trong đó phần lớn là đào tạo tại doanh nghiệp đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có được các kỹ năng cứng và mềm cần thiết tại nơi làm việc.

Sự tham gia của doanh nghiệp trong Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là yếu tố thành công và then chốt cho một hệ thống GDNN định hướng theo nhu cầu thị trường. Từ kinh nghiệm này, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam thành lập Hội đồng kỹ năng ở nhiều cấp độ khác nhau gồm sự tham gia của các cơ quan quốc gia, địa phương, VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp, công đoàn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với vai trò là cơ quan tư vấn. Hệ thống mô hình Hội đồng kỹ năng các cấp cùng phối hợp tại cấp vi mô, trung mô và vĩ mô.

Đặc biệt, cần ưu đãi cho các doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo lao động. Theo đó, ưu đãi cho các doanh nghiệp hợp tác, hoặc đưa ra thuế giáo dục nghề nghiệp cho các doanh nghiệp (lớn) không tham gia đầu tư vào đào tạo (phối hợp). Khuyến khích các trường cao đẳng đủ điều kiện triển khai các khoá đào tạo dành cho đào tạo viên doanh nghiệp.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.