Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp còn nhiều “điểm nghẽn” khiến doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ cũng như “dè dặt” trong đào tạo lao động.
LTS: Tháo gỡ những vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa vào nội dung xây dựng Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.
Trao đổi với DĐDN, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH cho rằng, cần kịp thời sửa đổi những chính sách và điều kiện thủ tục trong đào tạo lao động.
- Thưa ông, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đã có, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh không tiếp cận được?
Công tác đào tạo lao động trong doanh nghiệp trước những thay đổi của cách mạng công nghiệp, dịch bệnh… đặt ra yêu cầu vô cùng cấp bách, đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc nâng cao kỹ năng tay nghề của người lao động. Bản thân các doanh nghiệp theo quy định phải bỏ kinh phí đào tạo lại lao động trong doanh nghiệp. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Để tiếp cận chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cần đáp ứng 4 điều kiện, tuy nhiên hầu như không doanh nghiệp nào tiếp cận được.
Cụ thể, 4 điều kiện để tiếp cận chính sách hỗ trợ này gồm doanh nghiệp giảm doanh thu có chứng minh báo cáo thuế, đóng đủ bảo hiểm cho người lao động, khó khăn do kinh tế và có phương án đào tạo lao động cụ thể. Đây là những điều kiện tương đối “áp lực” với doanh nghiệp.
Đến trước khi chúng ta có Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động sau đại dịch Covid-19, thì hầu như không có doanh nghiệp nào tiếp cận được chính sách hỗ trợ nói trên, thậm chí không có doanh nghiệp làm đề xuất nhận chính sách này. Vấn đề đặt ra là tính hiệu lực có từ 2015, nhưng tính hiệu quả sau 5 năm là “con số 0”. Đây là đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong việc sửa đổi Luật Việc làm tới đây.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thăm buổi đào tạo tại công ty TNHH Bao bì Atlantic. Ảnh: DT
- Ông có thể phân tích rõ hơn các nguyên nhân của tình trạng trên?
Yếu tố khách quan đầu tiên do đại dịch Covid-19, chúng ta có 2 năm covid kéo dài khiến việc lên phương án đào tạo cũng như chuẩn bị hồ sơ đề xuất hỗ trợ gặp khó khăn. Sau giãn cách các doanh nghiệp lại tập trung vào khôi phục sản xuất, trả các đơn hàng. Đến nay, khi sản xuất hồi phục thì doanh nghiệp “bị dồn” doanh thu do đó không đáp ứng được điều kiện để nhận ưu đãi hỗ trợ.
Về chủ quan, một số quy định của chúng ta còn đang cứng nhắc, chưa thực sự phù hợp với các điều kiện của doanh nghiệp. Ngay cả với Nghị quyết 68/NQ-CP, sau quá trình triển khai đồng bộ với những điều kiện được “giảm tối đa” so với trước đây, nhưng chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ, theo đó chỉ có khoảng 60 doanh nghiệp gửi hồ sơ, trong đó có 36 doanh nghiệp có hồ sơ đủ điều kiện tương ứng khoảng 54 tỷ đồng hỗ trợ là quá nhỏ bé.
- Vậy ở giai đoạn tiếp theo, ông có đề xuất những giải pháp như thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động?
Hiện Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ để trình Quốc hội đưa vào kế hoạch sửa Luật Việc làm, trong đó có sửa đổi các nội dung liên quan chính sách về đào tạo lao động. Tới đây, trong quá trình rà soát đánh giá tác động của chính sách, tổng kết những chính sách đã thực hiện để xem việc triển khai thực tiễn khó khăn hay điều kiện thủ tục khó khăn… sẽ đề xuất sửa đổi để làm sao huy động, khuyến khích được doanh nghiệp và người lao động tham gia.
Theo đó, xem xét sửa đổi các điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận với chính sách như điều kiện về suy giảm kinh tế, điều kiện về không đảm bảo kinh phí để đào tạo. Bởi có những công ty doanh thu tăng nhưng lợi nhuận âm do chi phí tăng, do đó, các điều kiện về doanh thu hay điều kiện kinh phí đào tạo khó định lượng, cần sửa đổi. Cùng với đó, đơn giản hoá các thủ tục hành chính gồm thành phần hồ sơ, xác nhận của Bảo hiểm xã hội…
- Các chuyên gia WB cho rằng nên có chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp, thưa ông?
Thực ra ở Việt Nam đã có quy định tại Bộ Luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật thuế đã sửa đều đã có quy định miễn trừ chi phí cho doanh nghiệp đào tạo thì được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như không phải đăng ký đào tạo… tuy nhiên đây chỉ là miễn trừ và tính vào chi phí doanh nghiệp.
Do đó, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động. Tuy nhiên việc “bóc tách” các phần chi phí, cơ quan chức năng cần đào tạo, hướng dẫn quyết toán rất cụ thể, chi tiết với doanh nghiệp để doanh nghiệp phân chia được chi phí đào tạo và chi phí sản xuất kinh doanh, có vậy việc thực hiện chính sách ưu đãi mới tới với doanh nghiệp hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...