Quan hệ đối tác hiệu quả với khu vực tư nhân là chìa khóa để đạt được các mục tiêu SDG và triển khai mô hình “PPP vì con người” như khuyến nghị của Liên Hợp Quốc.
>>> Chú trọng hợp tác công tư PPP để phát triển năng lượng tái tạo
Để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc trong Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới cam kết thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường một cách cân bằng và bền vững. Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc mang tính xuyên suốt và đầy tham vọng, đồng thời đòi hỏi sự thay đổi trong cách suy nghĩ về phát triển cơ sở hạ tầng.
Mục tiêu số 9 (SDG 9): “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, đồng thời thúc đẩy đổi mới" và trực tiếp hỗ trợ Mục tiêu 9.1 nhằm “phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, đáng tin cậy, bền vững và linh hoạt…để hỗ trợ phát triển kinh tế và phúc lợi của con người, tập trung vào khả năng tiếp cận hợp lý và công bằng cho tất cả mọi người”.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, giáo dục, y tế là rất lớn. Nếu chỉ dựa vào đầu tư công với nguồn lực hạn chế là bất khả thi. Trong khi đó, tiềm năng nguồn lực có thể huy động được từ xã hội là rất lớn. Đối tác công tư là một giải pháp hiệu quả để giải quyết bài toán trên, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và nhà đầu tư.
Đặc biệt, đối tác công - tư không chỉ là mô hình giúp tiếp cận được tài chính tư nhân để thực hiện các dự án hạ tầng công mà còn tận dụng được công nghệ mới và tính hiệu quả của khu vực tư nhân. Đây là những lợi ích quan trọng của PPP trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Vai trò của PPP đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam
Tại Việt Nam, gần 20 năm thực hiện hợp tác đối tác PPP đã có những thành công bước đầu trong việc huy động nguồn lực tư nhân với khoảng 1.609.295 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng quốc gia. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại các tỉnh thành trong cả nước đã chuyển đổi mô hình từ “đầu tư công và quản lý công” sang “đầu tư tư và sử dụng công”.
Có thể thấy rõ những lợi ích trước mắt của mô hình PPP đó là: Nhà nước không cần chuẩn bị ngân sách và giải ngân một lượng vốn lớn từ nguồn thu (từ thuế) của mình hoặc đi vay. Điều này đặc biệt phù hợp tại Việt Nam, quốc gia đang phải đối mặt với nhu cầu lớn về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới mang tính quốc gia và cho các vùng trong cả nước khi nguồn vốn có thể huy động lại hạn chế.
Việc tiếp cận tài chính khu vực tư nhân thông qua PPP là chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững của quốc gia.
Theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Monitor Consulting, chúng ta cần các giải pháp sáng tạo để tận dụng lợi thế của mỗi đối tác. Khu vực tư nhân mang lại nguồn vốn và sự sáng tạo đổi mới đáng kể cho phép thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và giảm chi phí cho Nhà nước. PPP được thiết kế và thực hiện tốt trong một môi trường pháp lý cân bằng sẽ có tiềm năng mang lại hiệu quả và tính bền vững cao hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, đồng thời cung cấp dịch vụ công chất lượng cao với giá thành hợp lý cho người dân.
Thúc đẩy hợp tác đầu tư PPP hướng tới sự phát triển bền vững
Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy hợp tác đối tác PPP trong các dự án hạ tầng quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực như năng lượng, giao thông, giáo dục, y tế. PPP có thể thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Khung pháp lý cho mô hình hợp tác đối tác PPP ngày càng hoàn thiện với việc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được thông qua vào năm 2020. Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh: “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là bước tiến lớn thể hiện sự cam kết từ Nhà nước về việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi và thu hút nhiều nguồn lực hơn về vốn, sự sáng tạo và nhiều nguồn lực khác từ khu vực tư nhân, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với vai trò là cơ quan đầu mối của Ủy ban hợp tác công tư- Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác công tư.
VCCI đã chuẩn bị và đề xuất các khuyến nghị giải quyết những thách thức pháp lý liên quan đến PPP và đề xuất cơ chế nhằm hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất. Những khuyến nghị này tập trung vào nguyên tắc chính: đảm bảo cơ chế chia sẻ rủi ro và lợi ích một cách hài hòa và cân bằng giữa các nhà đầu tư và chính phủ nhằm phát triển hạ tầng quốc gia một cách bền vững.
VCCI đã đầu tư nguồn lực để xây dựng nền tảng tương tác nhằm kết nối các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa VCCI và USAID, các bên đã cùng nhau phối hợp để thúc đẩy PPP tại Việt Nam. Hỗ trợ của USAID nhằm giới thiệu các kinh nghiệm quốc tế về PPP và các thực tiễn tốt nhất có thể áp dụng tại Việt Nam và thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...