Hoạt động lập pháp hướng đến doanh nghiệp và người dân

2022-08-22 08:29:45

Hoạt động lập pháp thời gian qua đã hướng đến doanh nghiệp, người dân và thực tiễn cuộc sống rất kịp thời.

>> VCCI kiến nghị 8 giải pháp với Quốc hội

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban pháp chế chia sẻ tại cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội với VCCI , ngày 19/8.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với VCCI. Ảnh: Gia Thoả

Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, để có được những chính sách kịp thời, phía sau đó là cả một sự nỗ lực lớn, với hành trình “làm ngày, làm đêm” của Quốc hội nhiệm kỳ này.

“Tại các kỳ họp của Quốc hội hay UBTVQH vừa qua cũng có những “kỷ lục”, cách làm chưa có tiền lệ. Đây là một điều mà cộng đồng doanh nghiệp phải ghi nhận”, ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ.

Nhiều sảm phẩm có tác động quan trọng đến doanh nghiệp và người dân, như Nghị quyết 406/2021, Nghị quyết 43/2022 hay Nghị quyết 03 của UBTVQH ban hành về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19…

Vẫn theo ông Đâu Anh Tuấn, trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI vào ngày 7/10/2021, Chủ tịch Quốc hội có chỉ đạo và giao nhiệm vụ liên quan đến hoạt động tham gia xây dựng chính sách pháp luật.

Sau gần 1 năm, ông Tuấn nhận thấy các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về các đạo luật có chuyển biến rất mạnh mẽ. Khác với trước đây, việc lấy ý kiến chỉ 1 lần vào kỳ họp đầu, nhưng hiện nay những đạo luật thường lấy ý kiến 7 đến 8 lần từ khi Quốc hội tiếp nhận, thì tại các cuộc họp chính thức, cuộc họp tham vấn sơ bộ, hội thảo khoa học hay cho đến những khâu cuối cùng thì vẫn lấy ý kiến của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp.

>> VCCI - “điểm tựa” cho cộng đồng doanh nghiệp

>> VCCI sẽ tạo ra sự “khác biệt” cho các hội viên

>> VCCI lắng nghe khuyến nghị từ các hội viên mới

Đây vừa là áp lực nhưng cũng là động lực cho VCCI. Cụ thể, trong báo cáo tại Đại hội VII của VCCI có nêu rất rõ, đó là xác định việc tham gia xây dựng chính sách cải thiện môi trường kinh doanh là một trong 3 đột phá chiến lược của VCCI trong thời gian này. Đây là sự cố gắng của VCCI để thực hiện đúng như sự kỳ vọng trong đó có cả việc giao nhiệm vụ của Quốc hội cho VCCI.

Chia sẻ về chương trình hỗ trợ phục hồi, cảm nhận của ông Tuấn đó là phản ứng chính sách nhanh, nhưng thực hiện thì lại chậm và chưa đồng đều. Ví dụ, vấn đề hiện nay được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là việc tiếp cận gói tín dụng 2%.

Mặc dù chính sách rất tốt và nguồn tiền cũng đang có sẵn, nhưng trên thực tế doanh nghiệp tiếp cận rất khó. Khó ở đây là do trần tín dụng của nhiều NHTM hiện nay rất ít, cho nên phần lớn doanh nghiệp phải chờ cho các hợp đồng tín dụng chấm dứt thì “may ra” mới có thể có cơ hội tiếp cận khoản vay mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay thì việc tiếp cận gói tín dụng này là rất khó.

Vẫn theo ông Đậu Anh Tuấn, mặc dù năm 2022 và 2023 là năm thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi, nhưng nguy cơ lạm phát, tăng lãi suất, tăng chi phí… có nguy cơ giảm ảnh hưởng của các gói hỗ trợ phục hồi này.

“Chúng ta rất vất vả thông qua gói hỗ trợ 2%, nhưng bây giờ lãi suất cơ bản tăng lên thì những nỗ lực đó cũng rất khó”, ông Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban pháp chế. Ảnh: Gia Thoả

Một vấn đề khác, ông Tuấn nhất trí với kiến nghị của ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đó là cần phải mạnh mẽ hơn trong các chương trình về cắt giảm chi phí kinh doanh. Liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội về vấn đề này, ông Tuấn đề nghị Quốc hội cân nhắc việc trao quyền giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu cho UBTVQH.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã giảm phí bảo vệ môi trường hay các khoản khác. Mặc dù hiện nay có thể xăng, dầu đang đà giảm. Nhưng ông Tuấn cho rằng, cần phải tăng thêm thẩm quyền cho UBTVQH để khi giá xăng, dầu trên thế giới tăng nhanh thì sẽ có phản ứng kịp thời. Nếu để chờ đến kỳ họp Quốc hội thông qua luật, sau đó mới xem xét việc giảm thuế thì sẽ rất lâu.

Ông Tuấn cũng đề nghị cần có một cơ chế để kiểm soát việc ban hành các loại phí, như phí hạ tầng cảng biển hiện nay. Ông Tuấn nêu ví dụ tại Hải Phòng, theo luật phí và lệ phí thì HĐND thành phố có quyền ban hành. Nhưng đây chỉ thuộc thẩm quyền của một thành phố, trong khi việc ban hành phí hạ tầng cảng biển Hải Phòng không chỉ ảnh hưởng đến riêng Hải Phòng, mà ảnh hưởng tất cả các doanh nghiệp tỉnh, thành phố khác.

“Chúng tôi băn khoăn việc ban hành này có đúng thẩm quyền hay không? HĐND thu phí nhưng cảng Hải Phòng không phải của riêng Hải Phòng mà là của cả nước. Như vậy, tăng hạ tầng cảng biển là tăng chi phí rất nhiều”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển chưa đúng bản chất của phí. Vì phí hay lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Nhưng ở đây ông Tuấn thấy giống như một khoản thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, còn có tình trạng lạm thu. Từ đó, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cần có cơ chế kiểm soát việc ban hành phí hạ tầng cảng biển.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Ảnh: Gia Thoả

Về vấn đề tư nhân Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp bất lợi. Chúng ta hay nói về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng khi gặp doanh nghiệp trong lĩnh vực này, ông Tuấn được họ chia sẻ, mặc dù có cơ hội để cung cấp các sản phẩm cho các tập đoàn lớn. Nhưng với vốn vay hiện nay từ 8 đến 10% thì không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nhỏ của Nhât Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… khi được tiếp cận vốn chỉ 1 đến 2%, thậm chí vốn ưu đãi còn thấp hơn nữa.

Như vậy, họ sẵn sàng đầu tư công nghệ rất nhanh, nhưng với các doanh nghiệp Việt Nam vay với mức lãi suất cao như thế thì việc vay hàng triệu USD để đầu tư công nghệ là rất khó khả thi, cho nên cơ hội gần như không có. Đó là còn chưa nói đến sự phân biệt giữa gia công với sản xuất.

Với những chính sách như vậy, ông Tuấn cho rằng sẽ tạo ra động lực ngược, thay vì mua sắm trong nước để tăng giá trị gia tăng trong nước thì chúng ta lại chỉ làm hợp đồng gia công. Việc này chỉ giúp cơ quan hải quan dễ kiểm soát hơn, còn trên thực tế là sự phản động lực rất lớn.

Do đó, ông Tuấn đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần phải có chỉ số đánh giá riêng “sức khoẻ” của doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, thành tích về kinh tế đang bị các doanh nghiệp FDI làm “lu mờ”.

ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. Ảnh: Gia Thoả

“Ai cũng thấy chúng ta xuất khẩu tốt, tăng trưởng công nghiệp cao. Nhưng thực sự sức khoẻ doanh nghiệp tư nhân trong nước ra sao? Thành tích có thật sự tương xứng? Từ đó, ông Tuấn đề xuất cần hệ thống chỉ số riêng để đánh giá xem tình hình chung là như vậy, nhưng đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước là như thế nào? Đây mới là sức khoẻ đích thực và bền vững của khu vực kinh tế Việt Nam về mặt dài hạn”, ông Tuấn nói.

Cuối cùng, một vấn đề ông Đậu Anh Tuấn muốn đề cập đến việc mặc dù ban hành đạo luật thì rất tốt. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp “e ngại” việc thực thi các đạo luật. Ông Tuấn dẫn chứng hai luật, thứ nhất là Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật có hiệu lực từ 1/1/2018, nhưng qua khảo sát trên thực tế tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận về luật này rất thấp, hầu như không được hưởng lợi. Chúng ta ban hành đạo luật với kỳ vọng rất lớn nhưng hiệu ứng thực hiện không tốt.

Luật thứ hai là PPP, luật đã ban hành và có hiệu lực, nhưng khi trao đổi với nhà đầu tư trong lĩnh vực này đề “ngán ngẩm” lắc đầu vì không thực hiện được. Và như ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, hiện nay có nhiều dự án trên thực tế đúng ra thực hiện tốt, nhưng khi bị “xếp” vào PPP thì lập tức bị “tắc”. Bởi vì không có một cơ chế nào để thực hiện PPP trong lĩnh vực y tế và “chịu cứng”. “Đây là một thực tế”, ông Tuấn chia sẻ.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.