Trả lời Công văn số 6290/BKHĐT-PTND của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về quan điểm, định hướng và mục tiêu, Dự thảo cần bổ sung một số tiêu chí.

Cụ thể, về quan điểm, định hướng (Mục 1 Dự thảo), theo VCCI, về cơ bản, các quan điểm, định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 05 năm tới được nêu trong Dự thảo là rõ ràng, hợp lý. Các quan điểm, định hướng này đã xác định được những vấn đề cốt lõi để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển (tiếp tục hướng tới cải cách thể chế, cải cách về môi trường kinh doanh;…), phù hợp với tình hình mới (hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19,…) và xu hướng phát triển của nền kinh tế trong nước và quốc tế đang và sẽ diễn ra (thí điểm chính sách đối với các mô hình kinh doanh mới xuất hiện trong nền kinh tế; khuyến khích phát triển, ứng dụng các nền tảng công nghệ…).

VCCI cho rằng, Dự thảo cần bổ sung một số tiêu chí - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để thể hiện quan điểm, định hướng toàn diện hơn, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc một số vấn đề: Về xây dựng thể chế (điểm 2), Dự thảo đưa ra quan điểm “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý” là phù hợp, tạo ra cơ chế quản lý vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thời gian qua, “nguyên tắc quản lý rủi ro” được áp dụng và đã cho thấy hiệu quả trong quản lý nhà nước. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc này trong cơ chế quản lý thời gian tới, cụ thể như sau: “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý”.

Về hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng (điểm 4), trong gần 2 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Từ cuối tháng 9/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục trở lại trong trạng thái bình thường mới. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ để phục hồi hoạt động. Điểm 4 Mục I Dự thảo đã đề cập đến quan điểm, định hướng “hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng”, song nội dung này vẫn chưa đủ rõ và thể hiện được tinh thần này.

Do vậy, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa đổi nội dung tại điểm 4 Mục I cụ thể như sau: “Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và vượt qua các hệ quả của đại dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy chuyển đổi số, qua đó tạo đà tăng trưởng mới; …”.

Về các quan điểm, định hướng khác, theo VCCI, cần hướng đến hai nhóm giải pháp lớn về phát triển xanh và bền vững, giảm phát thải Carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhóm giải pháp hình thành phát triển chuỗi giá trị hàng hóa trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh. Vì đây sẽ là xu hướng chủ đạo của thế giới, nếu doanh nghiệp Việt Nam không được định hướng và hỗ trợ thì sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.

Ngoải ra, VCCI cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung các chỉ tiêu lượng hóa - Ảnh minh họa

Hơn nữa, bài học đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến doanh nghiệp đứt gãy dòng tiền và mất thanh khoản, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vừa qua đã cho thấy rất rõ cần có chính sách, giải pháp mới phù hợp với tình hình mới của nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, cần thích nghi và sống chung với COVID-19. Nhìn về dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng tầm quản trị hơn nữa theo xu hướng chung là có trách nhiệm với xã hội và môi trường và chính là điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch rất lớn hiện nay trên thế giới.

“Dự thảo chưa thể hiện rõ về các vấn đề trên, do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo”, VCCI góp ý.

Bên cạnh đó, về mục tiêu (Mục II Dự thảo) - Mục tiêu số doanh nghiệp đăng ký thành lập (điểm 2.a), Dự thảo đặt ra chỉ tiêu “Lũy kế đến năm 2025 có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có khoảng 710 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2021-2025”. Việc đặt ra chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta thuận lợi, nhất là về các thủ tục gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, theo VCCI, số doanh nghiệp đang hoạt động có thể phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy và tạo điều kiện để các chủ thể kinh doanh có thể hoạt động. Hơn nữa, Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn 2021 – 2025.

Về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số, điểm 2.đ đặt ra chỉ tiêu “100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số” trong giai đoạn 2021-2025.

Theo VCCI, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ theo Dự thảo là khá nhỏ, chỉ chiếm gần 10% tổng số doanh nghiệp tính đến hết năm 2020, đó là còn chưa tính đến các đối tượng là hợp tác xã, các hộ kinh doanh. Nếu tính ra số lượng từng năm cho mỗi địa phương trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì con số thực hiện hàng năm còn nhỏ hơn nữa.

“Mặt khác, Dự thảo chưa nêu rõ các mức độ hỗ trợ như thế nào? Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và nêu rõ các mức độ hỗ trợ”, VCCI góp ý.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung các chỉ tiêu lượng hóa liên quan tới: Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; Tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan theo các FTA; Tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu vào Dự thảo.