Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp: Bổ sung thêm “đối thoại với các bộ, ngành trung ương”

2021-10-22 07:47:07

Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, VCCI đề nghị bổ sung thêm “đối thoại với các bộ, ngành trung ương”…

Theo đó, cũng tại trả lời Công văn số 6290/BKHĐT-PTND của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 (Dự thảo) về nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách một cách hiệu quả hơn, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm “đối thoại với các bộ, ngành trung ương”.

VCCI đề nghị thêm giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong Dự thảo Nghị quyết của

Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp - Ảnh minh họa

VCCI đề nghị thêm giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ - Ảnh minh họa

Cụ thể nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm 1.a Dự thảo đưa ra giải pháp cho các bộ, ngành, địa phương “tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp …”. Tuy nhiên, theo VCCI, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách một cách hiệu quả hơn, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm “đối thoại với các bộ, ngành trung ương”.

Cũng tại điểm 1.a Dự thảo đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp về xử lý đối với các cá nhân, tổ chức, cán bộ công chức gây nhũng nhiễu khi thực thi công vụ. Để đảm bảo sự đồng bộ, VCCI, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nội dung về có cơ chế giám sát thực thi và tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp bởi đây chính là cơ sở để phát hiện và xử lý các cán bộ công chức không thực hiện đúng chức trách của mình.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung “phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, và hiệp hội ngành nghề” đối với điểm 2.d, cụ thể như:

Tham mưu và chủ động đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 và Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021 – 2025; phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, và hiệp hội ngành nghề kịp thời đánh giá, đề xuất hình thành các thể chế hoặc tổ chức chuyên biệt thực hiện chức năng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, tìm kiếm và thúc đẩy cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.

VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung các giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp,

gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh - Ảnh minh họa

Ngoài ra, VCCI đề nghị, bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, áp dụng hệ thống đăng ký trực tuyến thống nhất thông qua cơ chế một cửa và cổng thông tin quốc gia; bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Xây dựng phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành các TCVN và các quy chuẩn về Đô thị thông minh để đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh, thực hiện Đề án 950 của Chính phủ về phát triển đô thị thông minh.

“Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước tạo môi trường thuận lợi và thủ tục nhanh chóng, thuận tiện cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính; Đề nghị bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của các bộ, ngành về chia sẻ thông tin về các chính sách, quy định liên quan đến doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để VCCI và các hiệp hội ngành hàng phổ biến cho doanh nghiệp”, VCCI góp ý.

Theo VCCI, Dự thảo chưa thể hiện rõ nội dung về giải pháp để thúc đẩy đạt được mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển doanh nghiệp (cả về số lượng và chất lượng) là việc nâng cấp, phát triển doanh nghiệp từ các hộ kinh doanh.

“Với hơn 05 triệu hộ kinh doanh, đây vẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới, tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa có giải pháp nào liên quan đến đến các chủ thể này”, VCCI chia sẻ.

Vì vậy, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung các giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp, gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh; cần có giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp; đồng thời có các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với các nhóm doanh nghiệp mới thành lập, để các doanh nghiệp này có thể trụ vững và duy trì hoạt động trên thị trường.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp