Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về biểu mẫu và quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine", có hiệu lực từ ngày 20/12/2021. Hộ chiếu được cấp cho người đã tiêm đủ mũi với 8 loại vaccine COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép.

có hộ chiếu vaccine là cơ hội để du lịch Việt Nam đón khách trở lại.

Hộ chiếu vaccine là cơ hội để du lịch Việt Nam đón khách trở lại.

Theo đó, "Hộ chiếu vaccine" được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận "Hộ chiếu vaccine" được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR này được khởi tạo.

Bình luận về chủ trương sử dụng "hộ chiếu vaccine", theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, sử dụng "hộ chiếu vaccine" là một chính sách rất đúng đắn trong bối cảnh hiện tại. Thời gian qua, trong bối cảnh giá các loại hình bất động sản tăng cao, nhiều phân khúc thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ thì sức cầu của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là bất động sản du lịch ven biển vẫn rất ảm đạm.

Chia sẻ trên báo chí, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, việc thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine với các nước có ý nghĩa to lớn, góp phần đánh dấu bước chuyển của chiến lược chống dịch của ta từ “Zero COVID” sang thích ứng với dịch bệnh, chung sống an toàn trên cơ sở số lượng tiêm chủng cao, giảm thiểu rủi ro tử vong.

Hộ chiếu vaccine Việt Nam cũng đã được một số nước công nhận và có thể dùng để nhập cảnh vào những quốc gia này. Đây là cơ sở pháp lý để mở cửa, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới.

Các ý kiến chuyên gia và nhiều cư dân mạng cũng bày tỏ đồng thuận, việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau là chìa khóa để mở cánh cửa ra quốc tế, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch mở lại đường bay thương mại chở khách quốc tế với 4 giai đoạn, dự kiến bắt đầu cuối năm nay.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, hộ chiếu vaccine thực chất là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là 2 mũi. Hiện nay nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “hộ chiếu vaccine” để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.

việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau là chìa khóa để mở cánh cửa ra quốc tế.

Việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau là chìa khóa để mở cánh cửa ra quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Gia, chuyên gia về phát triển điểm đến du lịch, việc tiêm vaccine phòng COVID-19, áp dụng hộ chiếu vaccine đã góp phần xóa bỏ rào cản đi lại, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có mở cửa du lịch trở lại. Ở châu Âu, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Iceland là các quốc gia đã mở cửa cho khách du lịch từ Mỹ.

Nhiều chuyên gia du lịch đều cho rằng, nếu Việt Nam sớm chuẩn bị, đề ra các giải pháp kỹ thuật và sẵn sàng ban hành cơ chế, chính sách hợp lý trong bối cảnh này thì sẽ tạo ra thế mạnh cho du lịch Việt Nam. Cụ thể là du lịch nước ta sẽ thu hút và đáp ứng nhu cầu đi du lịch của rất nhiều người trên thế giới đã có được hộ chiếu vaccine.

Bên cạnh đó, chính sách hộ chiếu vaccine cũng góp phần kịp thời khôi phục các hoạt động vận chuyển hàng không, mặt đất và dịch vụ bổ trợ khác…, góp phần hoàn thành các mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội, một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel chia sẻ, mặc dù đã hết hè 2021 nhưng các công ty du lịch, khách sạn, du thuyền, hàng không… Việt vẫn đang phải “ngủ đông và mơ những cơn ác mộng”.

“Cơn bão” mang tên COVID-19 lần thứ 4 có lẽ là cú "nốc ao" khiến nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, du thuyền, các cơ sở dịch vụ… vốn đã điêu đứng qua 3 lần dịch trước, giờ thêm khó khăn bội phần.

Do đó, theo ông Đạt, việc có hộ chiếu vaccine là cơ hội để du lịch Việt Nam đón khách trở lại, với cả khách quốc tế và nội địa, du lịch nước ta phục hồi trở lại sau khủng hoảng nặng nề do dịch COVID-19.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Quy trình cấp gồm 3 bước:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.

"Hộ chiếu vaccine" cần hiển thị 11 trường thông tin:

Họ và tên;

Ngày tháng năm sinh;

Quốc tịch;Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới;

Số mũi tiêm đã nhận;

Ngày tiêm;

Liều số;

Vaccine;

Sản phẩm vaccine;

Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine;

Mã số của chứng nhận.

Các thông tin trên bao gồm họ và tên và ngày sinh kết hợp với giấy tờ định danh khác như CMND, CCCD hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.

Các thông tin sẽ được ký số, mã hoá và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

Các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, vaccine, loại vaccine và nhà cung cấp hoặc sản xuất sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu "COVID-19 vaccine tracker and landscape" của WHO được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của WHO và "Value Sets for EU Digital COVID Certificates" do Liên minh Châu Âu (EU) ban hành.

Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vaccine dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp