Khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý 2/2023 và 100% trong quý 4/2023 giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ trong năm 2023.
>> “Thời điểm vàng” cho vận tải hàng không
Đây là nhận định của ông Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia phân tích của VNDirect trong báo cáo Đầu tư Chiến lược 2023. Được biết, hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. Lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý 3/2022 và phục hồi bằng 49,8% trước dịch. Hơn nữa cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ quý 2/2023. Theo đó, khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý 2/2023 và 100% trong quý 4/2023 giúp tổng lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ trong năm 2023. Ngoài ra, lượng khách nội địa dự báo tăng 231% so với cùng kỳ trong 2022 (tăng 30,9% so với mức 2019) và tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025.
Dịp hè năm nay đã thực sự cởi trói cho khách nội địa sau hơn hai năm Covid-19. Cụ thể, nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn đã kịp thời triển khai kết hợp với các chương trình kích cầu du lịch của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Ninh...đã kích hoạt sự bùng nổ du lịch nội địa cả nước.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không trong nước cũng tích cực khai thác và tăng tần suất các đường bay nội địa đến các điểm du lịch như tần suất bay đến/đi Phú Quốc đạt 100 chuyến bay nội địa/ngày, trong khi chỉ có 72 chuyến bay quốc tế và nội địa/ngày đi/đến Phú Quốc trước đợt dịch năm 2019), giúp hàng không trong nước đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Trong 9 tháng đầu năm, tổng số chuyến bay tăng 123,4% so với cùng kỳ (chủ yếu là các chuyến bay nội địa) và lượng hành khách nội địa 9 tháng 2022 tăng 164,6% so với cùng kỳ - bằng 122,9% mức trước đại dịch.
Trong giai đoạn 2017-2019, lượng hành khách nội địa đã tăng trưởng kép 9,4%, có thể coi đây là mức tăng trưởng tự nhiên của lượng hành khách nội địa, đến từ tăng trưởng thu nhập và yếu tố về nhân khẩu học của Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam, tăng trưởng bị gián đoạn và ngành bước vào giai đoạn khó khăn trong 2020-2021. Kể từ quý 2/2022, việc bao phủ vắc xin trên toàn quốc đã giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch và ngành hàng không trong nước bắt đầu phục hồi, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tiếp nối đà tăng trưởng trong 9 tháng 2022, chuyên gia VNDirect kỳ vọng lượng khách nội địa năm 2022 sẽ tăng 231,2% so với cùng kỳ và tăng 30,9% so với năm 2019, duy trì mức tăng trưởng kép 9,4% trong giai đoạn 2017-2022.
"Chúng tôi cho rằng tăng trưởng khách nội địa năm 2022 không đáng kinh ngạc nhưng cho thấy nhu cầu đi lại trong nước đã tăng hợp lý với tiềm năng tăng trưởng tự nhiên bền vững. Trong giai đoạn 2023-2025, kỳ vọng tăng trưởng hàng không trong nước có thể chậm lại một chút với tốc độ tăng trưởng kép là 8,9% do người dân có thể đi du lịch nước ngoài dễ dàng hơn, và nhiều sân bay lớn trong nước quá tải", chuyên gia Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Lưu lượng hành khách quốc tế quý 3/2022 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 35 lần so với cùng kỳ lên 4,9 triệu, bằng 49,8% mức trước đại dịch, đưa lượng hành khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm tăng 14,5 lần so với cùng kỳ lên 14,5 triệu - bằng 22,3% so với trước dịch.
Hiện có hơn 30 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong 9 tháng 2022, Hàn Quốc là quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam cao nhất với mức tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ, tiếp theo là Mỹ và các nước Đông Nam Á.
>> Tăng trưởng doanh nghiệp hàng không sẽ tích cực nhờ khách quốc tế
Cụ thể, hầu hết sản lượng khách quốc tế là nước ngoài đến Việt Nam (chiếm 75% trong 9 tháng 2022) với tổng lượt tìm kiếm cho du lịch đến Việt Nam tăng 4,9 lần so với cùng kỳ trong 9 tháng 2022. Nhu cầu du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh kể từ quý 3/2022 do Việt Nam đã ngừng yêu cầu xét nghiệm Covid19 đối với du khách quốc tế và mở lại hoàn toàn đường bay quốc tế từ tháng 5/2022. Sự đóng góp từ du lịch của Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn thấp do một vài quốc gia chưa hoàn toàn mở cửa và người dân Việt Nam có xu hướng du lịch trong nước.
Sự phục hồi của du lịch nước ngoài của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yêu cầu nhập cảnh của các nước. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi du lịch Việt Nam là chính sách zero-covid của Trung Quốc, khiến cho việc du lịch đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt.
Do đó, VNDirect kỳ vọng khả năng phục hồi của các thị trường hàng không quốc tế lớn của Việt Nam trong kịch bản cơ sở sau:
Thứ nhất , đường bay giữa Việt Nam và Đông Nam Á sẽ phục hồi mạnh mẽ từ quý 3/2022 do xúc tiến du lịch đã được triển khai, tiếp theo là Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ trong quý 4/2022. Quảng bá du lịch Đài Loan và Nga có thể được thực hiện trong quý 1/2023, trong khi quảng bá du lịch Trung Quốc có thể được thực hiện trong quý 3/2023. Do đó, tổng lượng khách quốc tế từ thị trường Đông Nam Á có thể phục hồi trở lại mức trước đại dịch trong quý 1/2023, tiếp theo là Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nga, Trung Quốc.
Thứ hai , lượng khách quốc tế của Việt Nam đạt 12,5 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021) và có thể tăng 195,2% so với cùng kỳ trong năm 2023 - bằng 88,5% mức trước đại dịch. Do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có độ phụ thuộc lớn với lưu lượng hàng không quốc tế. Do đó, chuyên gia cho rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế. Theo dự báo, lượng khách quốc tế của Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024 (bằng 105,2% mức 2019) và có thể đạt 118,9% mức 2019 trong năm 2025.
Mặc dù hàng không Việt Nam có cơ hội lớn để phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch, nhưng theo ông Dũng vẫn có ba rủi ro lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành hàng đó là:
Thứ nhất , trong bối cảnh thị trường dầu thô vốn đã thắt chặt trên toàn cầu, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng này, thúc đẩy giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ năm 2008. Hiện tại, có nhiều yếu tố khó lường có thể khiến giá dầu vẫn duy trì ở mức cao. Giá dầu cao hơn dự kiến dẫn đến gia tăng chi phí hoạt động của các hãng hàng không, điều này có thể nâng giá vé và giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Thứ hai , chính sách Zero-Covid của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam khi Trung Quốc chiếm 35% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn trước đại dịch. Chừng nào Trung Quốc còn tuân theo chiến lược này, du lịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc khó có thể phục hồi về mức trước đại dịch.
Thứ ba , bên cạnh việc ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và mở rộng đội bay của các hãng hàng không hiện tại, tỷ giá USD/VND tăng và lãi suất USD tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong các giai đoạn tới. Trong đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt nam (ACV) dự kiến vay 2,5 tỷ USD cho siêu dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trong đó ACV dự kiến giải ngân lần lượt 0,65 tỷ USD/0,87 tỷ USD/0,9 tỷ USD trong 3 năm 2022,2023 và 2024.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...