Khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra đòi hỏi những gói hỗ trợ khôi phục và kích hoạt nền kinh tế đủ lớn và khác biệt so với giai đoạn trước khi những yếu tố khách quan và chủ quan đã thay đổi.
Bứt tốc trở lại “đường đua” phát triển
Trong đó đáng lưu ý, cần xác định không chỉ là gói hỗ trợ cho khôi phục mà còn là nắm bắt chớp thời cơ để bứt tốc. Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng “Gói hỗ trợ không thể dừng lại ở tính cấp cứu, “bơm sữa”, tiếp tế từng ngày mà còn phải tính đến đưa Việt Nam quay lại “đường đua” phát triển đất nước”.
Theo đó, chuyên gia cho rằng cần có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chứ không phải chỉ gói gọn trong mỗi vấn đề ứng cứu như những gói hỗ trợ trước đây. Vì là một chương trình tổng thể nên sẽ diễn ra trong dài hạn, phục hồi để tạo lập những nền tảng.
Đồng thời, chương trình này cũng sẽ trợ lực sức mạnh để nền kinh tế bắt đầu đứng dậy và phát triển ở một tư thế khác, mà chúng ta hay nói là "bình thường mới".
"Hiệu lực của gói hỗ trợ là quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp hay so với chuẩn quốc tế. Do đó, chúng ta cần phải tính tới các gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, đủ dài để có thể vực dậy cho nền kinh tế trong tương lai" – TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cần phải tính toán cẩn thận và chi tiết các gói hỗ trợ giúp giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp. “Phải có những gói liên quan đến việc tài trợ các khía cạnh tài khoá, như thuế, phí, rồi giãn, hoãn nợ… mà những chi phí này vô cùng nhiều, như thuế đất, thuế doanh nghiệp. Chưa kể các loại phí mà tới đây chúng ra còn có thể phải chịu là xăng dầu, các loại giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng lên”, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích.
Gói tiếp theo là gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để họ đứng dậy. Đặc biệt, gói này sẽ liên quan đến việc làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận đến nguồn vay. Ông Thiên cho rằng, lúc này, Nhà nước cần phải có một quỹ bảo lãnh vay cho doanh nghiệp, và quỹ hỗ trợ lãi suất để cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. Quỹ này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.
“Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý, có nhiều hạng mục ưu tiên vay, những chương trình, toạ độ ưu tiên vay. Ngành nào cần ưu tiên, rồi trong ngành đấy, doanh nghiệp nào cần ưu tiên để nền kinh tế có thể trỗi dậy, để những doanh nghiệp đó kéo nền kinh tế đứng lên, lan toả phát triển ra cả ngành, hoặc là một vùng”, ông Thiên lưu ý.
Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, bây giờ là lúc cần thiết đạt được 2 yêu cầu. Đầu tiên là phục hồi nền kinh tế. Thứ hai là chớp thời cơ để nền kinh tế có thể đứng dậy sớm được.
Thách thức giải ngân
Bên cạnh vấn đề về quy mô gói hỗ trợ cũng như thứ tự doanh nghiệp và ngành cần ưu tiên, chuyên gia cũng lưu ý cần rút bài học từ các gói hỗ trợ trước trong vấn đề giải pháp tổng thể phối hợp giữa kích cầu và lạm phát, vấn đề giải ngân…
Bản thân Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây cũng thẳng thắn chỉ rõ bài học về sự thiếu đồng bộ, thiếu giám sát từ gói kích cầu kinh tế năm 2009 khiến hậu quả là lạm phát tăng cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.
“Mục tiêu của gói chính sách đó là kích cầu đầu tư, sản xuất, an sinh xã hội, nhưng không kiểm soát tốt, thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nên khi hỗ trợ lãi suất lớn, tiền không chảy vào sản xuất, mà chảy vào chứng khoán, bất động sản… Hậu quả là bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao, năm 2010, lạm phát của chúng ta là 9,2% còn năm 2011 là 18,6%” , Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.
Chính sách hỗ trợ lãi suất thiếu đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách tài khóa khác nên đã làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách. Tức là, vay vốn rồi gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch. Tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, bất động sản do chúng ta kiểm soát không chặt chẽ. Các chính sách hỗ trợ thì chưa sát thực tiễn. Những rào cản, điều kiện cho vay vốn của doanh nghiệp cũng chưa được công khai, minh bạch.
“Chính vì vậy, gói kích thích kinh tế giai đoạn tới phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, bảo đảm ổn định. Hỗ trợ thì phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi. Hỗ trợ cho dòng tiền và ổn định tài chính và huy động các nguồn lực quốc tế khác. Đặc biệt là phải có kiểm soát rủi ro, có giám sát chặt chẽ trong thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, khi đưa ra gói kích cầu đầu tư thì phải làm sao giải ngân kịp. Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cũng chỉ rõ, nhiệm kỳ 5 năm trước, giải ngân cuối kỳ rất tốt nhưng bình quân cả giai đoạn chỉ giải ngân đạt 75%.
Giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng, nghĩa là mỗi năm giải ngân 574 ngàn tỷ đồng. Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV lo ngại, đầu tư công chưa chắc giải ngân hết, nhưng lại tính đến bổ sung 200-300 nghìn tỷ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mới đây.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, phải có chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế với quy mô đủ lớn, đủ khả năng vay-trả và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. “Bây giờ chúng ta giải ngân đầu tư công còn chưa hết, vậy sắp tới có một cái gói kích cầu đầu tư thì phải làm sao giải ngân kịp trong năm 2022-2023. Đây là một thách thức đang đặt ra. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình đầu tư như vậy mà công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân như vừa qua thì không thể nào hấp thụ được”, Bộ trưởng cho hay.
Cũng về vấn đề giải ngân, tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ rõ: “ Doanh nghiệp và người dân đều mong muốn gói kích thích mới. Nhiều đại biểu muốn nâng bội chi, tăng trần nợ công, gói nọ gói kia. Nhưng toàn bộ số tiền chúng ta đang có còn chưa tiêu được thì tiêu mới cái gì”.
Một số ý kiến chuyên gia thì cho rằng, phải kích cầu tiêu dùng Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ phải tăng cầu tiêu dùng như tăng mạnh đầu tư công của Chính phủ. "Trong năm 2021 đầu tư công tăng rất chậm, nếu không tăng nhanh thì không có nguồn lực để bơm vào nền kinh tế, không tạo việc làm cho dự án đấy và không tạo ra việc làm cho doanh nghiệp", ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích.
Thậm chí chuyên gia còn cho rằng, Chính phủ phải mạnh dạn hơn nữa đặt hàng cho các tập đoàn, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân tạo dựng lại các sản phẩm, đặc biệt vấn đề liên quan đến phát triển các hệ thống hạ tầng như hạ tầng cốt lõi mà nó làm thay đổi được trạng thái nền kinh tế.
"Chẳng hạn như đường sắt đang rất cần thiết và rất thiếu. Hay công nghiệp dịch vụ về kinh tế biển chúng ta rất thiếu, tại sao không mạnh dạn đầu tư, để đặt hàng cho các nhà đầu tư tư nhân" , ông Hoàng Văn Cường dẫn chứng. Bởi theo ông, nếu làm được việc đó thì nó vừa tạo ra được các ngành kinh tế trọng điểm, trụ cột cho đất nước nhưng đồng thời tạo công ăn việc làm, tạo tiền để phục hồi kinh tế.