Gỡ vướng mắc trong Nghị định 35 về phát triển khu công nghiệp

2022-12-04 15:14:00

Nghị định 35/2022 được coi là bước đột phá về cơ chế, chính sách, khơi thông phát triển KCN, KKT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

>> Nghị định 35/2022 về quản lý khu công nghiệp - Bài 5: Nên cụ thể hoá quy định xúc tiến đầu tư

Mới đây, tại Hội thảo “Kinh nghiệm quản lý, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng” diễn ra tại Hải Phòng , đại diện các công nghiệp, khu kinh tế các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã thảo luận về những điểm mới trong Nghị định 35 ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý KCN và KKT. Theo các đại biểu, Nghị định 35 được coi là bước đột phá về cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khơi thông phát triển các KCN , KKT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị định này, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng

Một số vướng mắc

Theo đại diện BQL KKT Hải Phòng, Nghị định 35 quy định về việc khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN, các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN mua, thuê, thuê mua nhà ở để cho người lao động thuê, mua lại, thuê lại; nhưng Luật Nhà ở lại chỉ quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua cho đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có đối tượng là tổ chức. Do đó, các doanh nghiệp vẫn chưa có cơ hội tiếp cận theo hình thức này để bố trí nhà ở cho công nhân, lao động.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó trưởng ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội cho biết: Liên quan đến nhà ở công nhân, người lao động, với Hà Nội hiện nay nội dung này cũng là một khó khăn. Trước đây, nhà ở cho công nhân, người lao động tại Hà Nội gần như là không có; chỉ duy nhất khu Thăng Long có nhà ở công nhân, người lao động mà trước đây TP Hà Nội đầu tư nhà ở xã hội, đáp ứng về cơ bản là khoảng 60.000 lao động ở. Tuy nhiên, các khu cũ gần như là không có quỹ đất.

Hội thảo Kinh nghiệm quản lý phát triển KCN, KKT tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng vừa tổ chức tại Hải Phòng

Còn theo bà Đỗ Thị Hương – Phó trưởng ban quản lý các KCN Nam Định cho biết: Liên quan đến tạm trú, lưu trú đối với người lao động nước ngoài trong các KCN, trước đây, Nghị định 82 quy định người lao động nước ngoài được phép tạm trú ở trong KCN nếu đáp ứng các điều kiện. Một số các doanh nghiệp lớn của khu công nghiệp tỉnh Nam định cũng đã đầu tư xây dựng các khu nhà ở rất lớn để phục vụ chuyên gia và người lao động nước ngoài đến làm việc tại doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, đến Nghị định 35 điều này không được phép nữa.

>> Để Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đi vào cuộc sống

>> Nghị định 35/2022 về quản lý khu công nghiệp - Bài 4: Phân kỳ đầu tư khiến doanh nghiệp bối rối

“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thấy rằng, khi Nghị định 35 ra đời để thực hiện đúng quy định của pháp luật thì một mặt BQL các KCN tỉnh Nam định vẫn phải ban hành văn bản và yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN thực hiện thực hiện tuân thủ đúng theo quy định của Nghị định 35 là không cho phép người lao động nước ngoài cư trú trong các KCN. Một mặt nữa, trước đây, BQL các KCN tỉnh Nam Định cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Nam Định xây dựng và ban hành quy chế quyết định cho phép người lao động nước ngoài được ở trong KCN. Và bây giờ khi Nghị định 35 không được phép nữa thì chúng tôi lại phải ban hành bãi bỏ quy định đó”, bà Hương cho biết thêm.

Tìm cách gỡ “nút thắt”

Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng vụ quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Quy định pháp luật về nhà ở xã hội đang chưa cho phép đối tượng được mua nhà ở xã hội là pháp nhân. Do đó, cũng hạn chế trong việc doanh nghiệp cũng muốn tạo điều kiện cho người lao động có nhà ở, nơi cư trú ổn định để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, quy định pháp luật chuyên ngành về nhà ở chưa cho phép. Do vậy trong quá trình xây dựng về những quy phạm về KCN, KKT, chúng tôi cũng ý thức được rõ khó khăn này và cũng phần nào có hướng mở hơn về quy hoạch những khu vực đất dịch vụ, quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc bố trí phương án xây dựng nhà ở cho người lao động, bố trí quỹ đất cho người lao động; coi phương án nhà ở cho người lao động đó là một trong điều kiện để xem xét chủ trương đầu tư của dự án hạ tầng KCN mới, cũng như dự án hạ tầng KCN mở rộng.

Người lao động làm việc trong KCN Tràng Duệ, TP Hải Phòng

“Quan điểm của chúng tôi là đối với những việc lưu trú của người nước ngoài, người lao động trong KCN được thực hiện sau thời điểm ban hành Nghị định 35 thì sẽ phải tuân thủ các quy định, nghị định của Nghị định 35. Còn đối với các cơ sở lưu trú phục vụ cho chuyên gia nước ngoài mà đã được các cấp có thẩm quyền quyết định trong việc hoạt động và đảm bảo đầy đủ, tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan thì vẫn tiếp tục thực hiện tại thời điểm này”, bà Hiếu cho biết thêm.

Cũng theo bà Hiếu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ghi nhận những kiến nghị của các đơn vị trong quá trình góp ý cho việc sửa đổi quy định của pháp luật về nhà ở cho người lao động. Đồng thời, sẽ có đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với việc bố trí quỹ đất và cơ chế liên quan đến việc cho phép doanh nghiệp có thể mua nhà cho người lao động để phục vụ trực tiếp cho việc cư trú của người lao động.

Nghị định 35 được coi là bước đột phá về cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khơi thông phát triển các KCN, KKT

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó trưởng ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội cho biết: Hiện, Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành trong đó có BQL rà soát, xây dựng các nhà ở, thiết chế văn hoá cho người lao động theo đúng quy định của Nghị định 35. Đồng thời, đã thành lập và có một chương trình phát triển riêng về nhà ở xã hội cho người lao động gắn với quy hoạch của khu vực có phát triển công nghiệp, về cơ bản sẽ giải quyết được bài toán cho người lao động.

Còn theo bà Đỗ Thị Hương – Phó trưởng ban quản lý các KCN Nam Định, để giải quyết triệt để vấn đề liên quan đến tạm trú, lưu trú đối với người lao động nước ngoài trong các KCN, phía BQL các KCN tỉnh Nam định cũng đã đưa ra 2 phương án nghiên cứu thực hiện. Đó là vận động hướng dẫn doanh nghiệp cải tạo cơ sở lưu trú thành các công trình khác, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, báo cáo UBND tỉnh Nam định xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch phần diện tích đất xây dựng các cơ sở lưu trú thành thành diện tích đất dịch vụ công nghiệp, để giúp cho doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện dịch vụ lưu trú này để đáp ứng các quy định của pháp luật.

Liên quan đến Nghị định 35 về quản lý KCN và KKT, trước đó, ngày 26/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chỉ đạo tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về việc quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế”. Diễn đàn đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, đề xuất các cơ quan quản lý ban hành những hướng dẫn phù hợp, kịp thời bổ sung, điều chỉnh, giúp Nghị định 35 đi vào thực tiễn.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.