Để giá xăng dầu không còn tình trạng “tăng nóng giảm sâu” sau một năm đầy biến động, chuyên gia cho rằng, ngoài điều chỉnh chính sách thuế, phí... cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối…
>> Cần thiết áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Thị trường xăng dầu trong năm 2022 được cho là “dị biệt”, chính sự “dị biệt” này đã khiến các cơ quan quản lý lúng túng, chậm trễ trong việc đưa ra đối sách ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế và trong nước. Hậu quả là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đua nhau báo lỗ, còn người dân thì phải xếp hàng dài chờ mua từng lít xăng...
Đáng nói, dù nguồn cung xăng dầu trong nước được đảm bảo gần 80% nhu cầu tiêu thụ, chỉ nhập khẩu hơn 20%, nhưng thực tế, mức chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm và dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu sản xuất xăng dầu hàng năm vẫn rất lớn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn dầu thô, trị giá gần 6,5 tỷ USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, cả nước còn nhập trên 7,1 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,34 tỷ USD, tăng lần lượt 22,8% và 123,8% so với cùng kỳ.
Lý giải về con số đã nêu, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương từng cho biết, Việt Nam đang nhập khẩu hơn 20% nguồn cung xăng dầu thành phẩm, nhưng còn nhập một lượng lớn dầu thô (khoảng 50%) làm nguyên liệu để phục vụ sản xuất xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Do Việt Nam nhập dầu thô, nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. Như vậy, Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm.
Theo các chuyên gia, việc phải nhập một lượng lớn dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu trong nước là việc bình thường, thậm chí khi nhập về còn có lợi về kinh tế. Thế nhưng, trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung hiện nay, giá dầu thế giới leo thang, bất ổn, các nhà máy lọc dầu không phải cứ muốn nhập khẩu là nhập được, rủi ro vì thế cũng nhiều hơn.
Thực tế, ngay từ những tháng đầu năm 2022, ngành xăng dầu trong nước đã gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine, giá xăng dầu đã tăng chóng mặt, chỉ từ tháng 2 đến tháng 6, giá xăng dầu đã tăng khoảng 60% - 70% so với trước đó. Từ tháng 7 trở đi, giá xăng lại giảm xuống 20% rồi sau tăng 7% - 8%, thể hiện sự biến động quá nhanh của thị trường, thậm chí thay đổi hàng ngày lên xuống rất nhanh khiến thị trường diễn biến phức tạp, biến động bất thường với biên độ lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ.
>> Quản lý kinh doanh xăng dầu: Không thể chuyền mãi… “quả bóng” trách nhiệm
Từ thực tế đã nêu, chuyên gia cho rằng, sau một năm giá xăng dầu “tăng nóng giảm sâu”, cơ quan điều hành nên có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững, khi 2023 được dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn với thị trường xăng dầu trong nước, bởi thị trường dầu thô thế giới biến động khó lường, nguồn cung không dồi dào, giá có thể tăng cao.
Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, năm 2023 tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới chậm lại do tăng trưởng kinh tế không đạt dự báo đề ra, nguồn cung có thể bị gián đoạn. Đáng chú ý, do Nga tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang bất kỳ quốc gia nào, thêm vào đó các nước OPEC đảm bảo thu nhập của họ thông qua giữ giá, tăng giá nên quyết định cắt giảm sản lượng.
Động thái này dẫn tới sản lượng dầu toàn cầu không như dự báo ban đầu tăng trưởng cao. Các giai đoạn khủng hoảng xảy ra quyết định về sản lượng, sản lượng trên thị trường thế giới có biến động, dẫn tới Việt Nam khó tìm bạn hàng, thị trường mua dầu.
“Giá dầu năm 2023 được dự báo dao động từ 90 - 95USD/thùng, đây vẫn là mức giá cao, nếu biến động giá dầu tăng 10%, lạm phát tăng 0,36%, GDP giảm 0,5 điểm%. Do đó, Bộ Công Thương cần chủ động kịch bản để ứng phó với tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu trên thế giới”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Và trong bối cảnh giá xăng dầu được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, để ổn định giá, theo các chuyên gia, ngoài điều chỉnh chính sách thuế, phí... cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, không để tình trạng thao túng, găm hàng, trục lợi. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng nguồn dự trữ quốc gia đủ lớn để có thể bình ổn thị trường khi gặp biến động mạnh.
Thông tin với báo chí, TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, điểm mấu chốt trong việc ổn định thị trường xăng dầu là phải tạo được một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Hiện nay gần như thiếu hoàn toàn việc cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống cuối cùng. Điều này khiến cho các đại lý bán lẻ kêu ca về câu chuyện chiết khấu bởi không có lựa chọn nào khác. Nguyên nhân do các đại lý, cửa hàng bán lẻ không thể chuyển từ doanh nghiệp đầu mối này sang doanh nghiệp đầu mối khác.
Từ đó, TS. Vũ Đình Ánh đề nghị cơ quan quản lý phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả khâu bán buôn, đảm bảo tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi có biến động từ phía doanh nghiệp đầu mối. Bên cạnh đó, phải có một cơ chế giá phù hợp, gắn với đó là việc điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí… một cách chủ động và linh hoạt thì mới tạo ra sự đồng bộ về quản lý, điều hành.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để ổn định thị trường xăng dầu, cơ quan điều hành phải kiểm tra lại toàn bộ nguồn cung sản xuất, nhập khẩu cung ứng cho nền kinh tế; nắm chắc số liệu từ các doanh nghiệp đầu mối, tránh báo cáo số liệu một đằng, thực tế một nẻo, từ đó cân đối để đảm bảo nguồn cung. Chú ý nguồn cung từng địa bàn, từng địa phương khác nhau... và phải có kho dữ liệu để đồng bộ quản lý, điều hành…
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...