Giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh đưa mặt hàng này lần đầu tiên trong lịch sử vượt giá xăng trong nước sau kỳ điều hành giá ngày 5/9.
>>> Giải pháp ứng phó với giá dầu tăng mạnh năm 2022
Trao đổi tại toạ đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” được tổ chức sáng nay (8/9), TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết: Giá dầu đang có biến động phức tạp. Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine đã khiến giá dầu có thời điểm tăng đột biến với mức tăng khoảng 60%.
Thời gian gần đây, giá dầu thế giới có xu hướng giảm. Đến ngày 6/9/2022, giá dầu đã giảm hơn 30% so với đỉnh được thiết lập hồi tháng 3/2022 với mức 93 USD/thùng dầu Brent trong khi giá dầu WTI chỉ dưới 87 USD / thùng. Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang ở mức cao so với những năm trước.
TS Lương Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (ảnh: HL)
Theo xu hướng của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước đang có biến động. Đặc biệt, sau kỳ điều hành giá ngày 5/9, giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh đưa mặt hàng này lần đầu tiên trong lịch sử vượt giá xăng trong nước. Theo TS. Lương Văn Khôi, việc tăng giá dầu diesel là do hiện nay các nước châu Âu chuyển đổi thay thế nhiên liệu khí đốt của Nga sang sử dụng dầu diesel khiến nhu cầu tăng cao. Mỹ đang xuất khẩu ngày càng nhiều dầu diesel sang châu Âu, nhưng khó có thể tăng thêm nguồn cung vì tồn kho trong nước hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa, trong khi các nhà máy lọc dầu đã hoạt động gần 100% công suất. Đây là những nguyên nhân khiến giá dầu cao hơn giá xăng.
Trên thị trường Việt Nam, giá dầu diesel lên 25.180 đồng/lít; dầu hỏa lên 25.440 đồng/lít trong khi giá xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít.
“Từ nay đến cuối năm, giá dầu vẫn biến động phức tạp. Có một số yếu tố cho thấy giá dầu có khả năng giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm nếu thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh theo đề xuất của EU. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố tác động khiến giá dầu tăng trở lại, ít nhất là trong ngắn hạn như nhu cầu nhiên liệu tăng cao khi Châu Âu vào mùa đông và Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại. Trong khi đó, nguồn cung đang tăng chậm lại, xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng” - TS Lương Văn Khôi nhận định.
Giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng rất khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng... tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước. Theo TS Lương Văn Khôi, những yếu tố này chưa giải quyết trong ngắn hạn do căng thẳng Nga - Ukraine khó đoán định; lạm phát cao, kéo dài tại nhiều nền kinh tế lớn hình thành cùng chiều với xu hướng tăng giá nguyên liệu, năng lượng trên thế giới và dự kiến sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Giá dầu tăng cao đã tác động đến nhiều ngành kinh tế
Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, TS Lương Văn Khôi đề xuất cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay; cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường, yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý; có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...