Với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV/2021 cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên.
Tăng trưởng quý cuối năm 2021 lại phụ thuộc nhiều vào đề án "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở thực hiện đánh giá, ước thực hiện cả năm GDP 2021 đạt ở mức 3 - 3,5%. Theo đó, với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV/2021 cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Còn với mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm thì quý IV/2021 cần tăng trưởng 8,84% trở lên.
Trong quá khứ, mức tăng GDP quý IV từ 7% trở lên đã từng đạt được, song Thứ trưởng KH&ĐT lưu ý, tăng trưởng quý cuối năm 2021 lại phụ thuộc nhiều vào đề án "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Ông Phương phân tích, để đạt mục tiêu tăng trưởng, doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị "đóng băng". Cùng đó, lực lượng lao động cũng được dịch chuyển an toàn, đi lại làm việc để doanh nghiệp hoạt động bình thường trong tình hình mới.
Ngoài ra, hàng hoá cũng cần được lưu thông thông suốt ở cả đầu vào, đầu ra thì mới có thể hỗ trợ được cho tăng trưởng. "Trong giai đoạn phục hồi sản xuất tới đây khi kinh tế mở cửa trở lại, các doanh nghiệp, khu vực sản xuất phục hồi được 80% công suất là thành công lớn", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định.
“Rất kỳ vọng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị thì chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng hơn 7% như đã từng làm trong quá khứ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Để thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh, tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; sẵn sàng tăng cường y tế lưu động, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế. Hạn chế thấp nhất các ca tử vong.
Trước đó, ngày 1/10, Bộ KH&ĐT công bố những phác thảo đầu tiên về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Việt Nam mới chủ yếu giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, tác động về phía cung của nền kinh tế (tín dụng, giảm chi phí, hỗ trợ lao động). Các giải pháp hỗ trợ vẫn thiếu tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ; nguồn lực chưa đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Dự kiến, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ tập trung và các ngành, lĩnh vực vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như: du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách. Chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chương trình dự kiến có 8 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó có các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể), tài chính (miễn, giảm thuế, phí)…
Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...