Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển Cụm Công nghiệp – Doanh nghiệp nói gì?

2023-04-22 08:24:26

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Cụm Công nghiệp (CCN) đã tạo cơ hội và giải quyết vấn đề việc làm cho rất nhiều người dân, góp phần tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) làm các ngành công nghiệp phụ trợ; thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho các Khu Công nghiệp (KCN) phát triển tốt hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trên cả nước. Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 750 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 24.900 ha, thu hút được trên 13.000 dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 800.000 lao động .
Sự cần thiết phải sửa đổi.

Phát triển cụm công nghiệp giúp phát triển kinh tế - xã hội (ảnh Internet)


Hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP). Từ khi ra đời, các Nghị định này đã góp phần thúc đẩy phát triển CCN, giúp công tác quản lý bài bản và hiệu quả hơn, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; các CCN còn góp phần tích cực trong việc di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hộ gia đình ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên trong quá trình thực thi, có một số nội dung phát sinh từ sự chồng chéo giữa các băn bản quy phạm pháp luật, thực tiễn và những tồn tại từ lịch sử; bên cạnh đó, việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng, hoạt động của CCN chịu sự tác động, tuân thủ bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau (như quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng tài sản công... do nhiều Bộ, ngành liên quan quản lý), nên đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời trước khi làn sóng đầu tư vào các KCN, CCN ngày càng nhiều, đặc biệt là những địa phương thu hút đầu tư có nhiều triển vọng như các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá,...
Doanh nghiệp nói gì?
Dự thảo đang quy định về quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trong CCN theo hướng: Lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được xem xét trong thủ tục thành lập CCN; doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN tới Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, cùng UBND cấp huyện lập hồ sơ thành lập, mở rộng CCN gửi Sở Công Thương thẩm định; chủ đầu tư sẽ được lựa chọn thông qua Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư do UBND cấp tỉnh thành lập. Hội đồng sẽ đánh giá theo phương pháp chấm điểm với thang điểm 100. Doanh nghiệp, hợp tác xã có điểm từ 50 trở lên sẽ được đề xuất lựa chọn làm chủ đầu tư. Nếu có từ hai doanh nghiệp trở lên có cùng số điểm bằng nhau thì Hội đồng sẽ thống nhất đề xuất lựa chọn một doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, quy định trên là chưa phù hợp với quy định tại pháp luật về đầu tư, về lựa chọn nhà đầu tư. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, có ba phương thức lựa chọn nhà đầu tư, đó là: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư. Pháp luật về đấu giá, đấu thầu, đầu tư sẽ quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tương ứng theo từng phương thức.
Quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đang được thiết kế riêng, không theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư nào theo quy định của pháp luật về đầu tư (từ cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, đến hồ sơ, tài liệu cũng như quy trình thẩm định để lựa chọn nhà đầu tư). Điều này là chưa phù hợp và sẽ gây vướng trong quá trình triển khai.
Cũng tại Dự thảo, một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan, thiếu rõ ràng, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Dự thảo quy định, giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích được xác định trên nguyên tắc thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp không thỏa thuận được, “chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật”.

Hàng trăm cụm công nghiệp tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động (ảnh internet)


Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không rõ UBND cấp huyện sẽ đưa ra hướng xử lý như thế nào trong trường hợp này? Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo thì chủ đầu tư sẽ đăng ký khung giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích chung trong CCN với Sở Công Thương. Nhà nước sẽ không can thiệp vào việc định giá này (trừ trường hợp, khung giá tăng trên 10% thì phải giải trình về việc thay đổi). Như vậy, chủ đầu tư sẽ thỏa thuận giá dựa trên khung giá đã đăng ký này. Trường hợp không thỏa thuận được, không rõ UBND cấp huyện sẽ đưa ra hướng xử lý như thế nào (quyết định giá cho các bên?) và cơ sở đâu để UBND cấp huyện xử lý? “Quy định của pháp luật” là quy định tại văn bản nào? Việc UBND cấp huyện can thiệp vào việc thỏa thuận giá của chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ là chưa hợp lý. VCCI cho rằng, cần bỏ quy định “trường hợp không thỏa thuận được, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật”.
Về Nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (Điều 20), khoản 6 Điều 20 Dự thảo quy định, chủ đầu tư phải “thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan theo quy định”. Quy định này là chưa đủ rõ ràng ở tần suất báo cáo và cơ quan nhận báo cáo là cơ quan nào. Điều 72 Luật Đầu tư 2020 đã quy định về nghĩa vụ báo cáo đầu tư của các chủ đầu tư thực hiện dự án. Theo ý kiến của một số nhà đầu tư, cần rà soát và điều chỉnh quy định này để tránh việc quy định chưa thống nhất với pháp luật về đầu tư, tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho các chủ đầu tư.
Lời kết
Trong công tác quản lý, phát triển CCN vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, như: Nhiều CCN chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt là hạ tầng xử lý môi trường, phòng cháy và chữa cháy; thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN chưa được cải thiện đáng kể, gây tốn kém thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp; một số nội dung quản lý còn thiếu đồng bộ với pháp luật hiện hành, hoặc chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng.
Bên cạnh đó, các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng CCN và các doanh nghiệp thứ cấp vào cụm. Nguyên nhân chính là do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa ưu tiên bố trí cho nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP) nhằm tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển CCN một cách hiệu quả, chặt chẽ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV đầu tư kinh doanh theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành về quản lý CCN./.
PHAN DUY HÙNG (Chi nhánh VCCI Nghệ An)