Sự kết hợp giữa việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm kích thích và kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ có lợi cho đồng USD trong năm 2022...
>> Tỷ giá Việt Nam năm 2022 có thể sẽ đảo chiều
Đồng USD tăng mạnh
Đồng USD đã tăng mạnh trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hẹp gói nới lỏng định lượng (QE) từ tháng 11. Mặc dù Fed mới chỉ đưa ra lộ trình về việc thu hẹp này và cho biết đây vẫn chưa là thời điểm để nâng lãi suất, nhưng giới phân tích lo ngại, Fed sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến, thậm chí ngay trong năm 2022 do mức tăng quá nóng của lạm phát.
Đồng USD đã tăng mạnh trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hẹp gói nới lỏng định lượng từ tháng 11 (ảnh minh hoạ)
Khi dịch COVID-19 tăng mạnh ở châu Âu và kỳ vọng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn ở những khu vực khác, đặc biệt là ở Mỹ, đồng Euro đã rơi xuống mức thấp nhất trong 16 tháng trở lại đây. Điều này khiến các nhà đầu tư tìm đến đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn.
Tại thị trường Việt Nam, ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 22.662,00 đồng. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra là 22.525,00 đồng - 22.755,00 đồng.
Theo CNBC, đồng USD tăng chạm mức cao nhất trong 16 tháng sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ mạnh nhất trong hơn ba thập kỷ, trong khi chứng khoán tăng do kỳ vọng giá tiêu dùng cao hơn sẽ giúp các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.
Chỉ số chứng khoán blue-chip của Anh cũng đạt mức cao nhất trong 20 tháng, khi các công ty khai thác tiếp xúc với Trung Quốc được niêm yết tại London đã phục hồi, vì nhà phát triển bất động sản Evergrande thoát khỏi vụ vỡ nợ trong phút chót.
Cổ phiếu châu Âu cũng tăng sau khi Goldman Sachs cho biết thu nhập trong khu vực có khả năng phục hồi trước những khó khăn của chuỗi cung ứng. Một thông điệp vang lên trên Phố Wall rằng, các nhà đầu tư coi tác động của việc tăng giá là tạm thời nhưng đã mang lại sự tích cực đối với lợi nhuận của công ty.
Don Townswick, Giám đốc chiến lược cổ phần tại nhà quản lý tài sản tổ chức Conning cho biết: “Bản thân lạm phát không phải lúc nào cũng là điều xấu đối với thị trường chứng khoán, việc thắt chặt thông thường xảy ra khi nền kinh tế đang hoạt động thực sự tốt, vì vậy chỉ đơn thuần là triển vọng về một số mức lãi suất cao hơn không phải là vấn đề.”
Trái lại, thị trường tiền điện tử đang trong những ngày dài ảm đạm khi Bitcoin (BTC) đã rơi khỏi mốc 59.000 USD/BTC và hiện đang giao dịch quanh mốc 58.500 USD. Đây là mức giảm thấp nhất kể từ cuối tháng 10, kéo theo sự sụp đổ giá của hàng loạt những đồng altcoin, trong đó, khoản lỗ lớn nhất đến từ đồng Solana (SOL), mất hơn 10% giá trị chỉ trong thời gian ngắn.
Trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia tài chính số cho biết, hiện không có lý do rõ ràng, ngay lập tức cho việc giảm giá trị của thị trường tiền điện tử khi sự suy giảm bắt đầu. Nhưng các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu đà giảm đó có được duy trì hay không, hay nó có đang kiểm tra lại giới hạn đáy một lần nữa.
Chỉ số USD đo lường tiền tệ so với sáu đồng tiền khác bao gồm đồng Yên và Euro đã tăng thêm với mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 3, sau khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng cao hơn dự kiến. Theo đó, chỉ số CPI công bố mức tăng hàng tháng lớn nhất trong bốn tháng để nâng mức tăng lạm phát hàng năm lên 6,2%, mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 11/1990.
Đồng USD đã đẩy đồng Euro xuống dưới 1,13 USD và đồng Yên của Nhật Bản đã chạm mức thấp nhất trong 4 năm ở 114,02 Yên/ USD trong ngày 21/11.
Joe Manimbo, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Western Union cho biết: “Đồng bạc xanh hiện chắc chắn đang được hưởng lợi từ các dấu hiệu của nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh và từ các dòng chảy trú ẩn an toàn do những lo lắng mới về virus”.
Nhà đầu tư ngày càng gia tăng kỳ vọng rằng, USD sẽ còn tiếp tục mạnh hơn nữa trong năm tới khi dữ liệu kinh tế của Mỹ, bao gồm cả doanh số bán lẻ thông báo vào đầu tuần này, phần lớn gây bất ngờ với xu hướng tăng, trong khi lạm phát đang tăng nóng hơn dự kiến.
Các nhà phân tích của Tập đoàn Tài chính Thụy sĩ UBS trong một báo cáo về triển vọng tiền tệ cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng sự kết hợp giữa việc Fed cắt giảm kích thích và kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ có lợi cho đồng USD trong năm 2022. Một yếu tố khác nữa cũng hỗ trợ cho USD tăng là kỳ vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố người được đề cử giữ chức lãnh đạo Fed trước ngày Lễ Tạ ơn 25/11, với những cái tên khả thi nhất là người lãnh đạo Fed đương nhiệm, ông Jerome Powell và Thống đốc Lael Brainard, người có thái độ ôn hòa".
>> Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021: (Kỳ 2) Cơ hội và thách thức
Tác động tới Việt Nam
Trước đó, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và chứng khoán, ngân hàng HSBC nhận định, bước sang năm 2022, tỷ giá USD/VND có thể sẽ đảo chiều về mức 23.000 đồng, trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào chậm lại. Đồng VND có thể đứng trước áp lực đối diện với một đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tệ và đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn. Trong năm 2021, VND đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như những lo ngại về ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể trở nên nổi cộm hơn vào năm sau.
Đối với Việt Nam, đồng USD tăng giá và lạm phát cao sẽ gây sức ép tăng tỷ giá hối đoái (ảnh minh hoạ)
“Do đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần đặc biệt chú trọng trong vấn đề phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt”, ông Khoa khuyến nghị.
Còn theo một chuyên gia tài chính, Việt Nam đang ở trong thời điểm khá khó khăn vì đại dịch và các mục tiêu tăng trưởng có vẻ rất khó thực hiện, trong khi nguy cơ lạm phát cuối năm 2021, đầu năm 2022 là hiện hữu. Đặc biệt, đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây cũng sẽ có những tác động nhất định đến các chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng cuối năm.
“Tuy nhiên, đồng USD tăng giá và lạm phát cao sẽ gây sức ép tăng tỷ giá hối đoái, cho nên, nếu giữ ổn định tỷ giá thì có thể gây thâm hụt thương mại, dẫn tới xuất khẩu khó khăn hơn, mà chỉ thuận lợi cho nhập khẩu. Cùng với đó là áp lực phá giá trong trung hạn có nguy cơ tăng mạnh. Do đó, cần có sự kiểm soát chặt tín dụng ngân sách và coi trọng hiệu quả chất lượng của tăng trưởng”, vị chuyên gia nói.
Nguồn: Tạp chí DDDN.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...