Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Còn "điểm nghẽn" về tính thực thi

2022-03-29 10:57:39

Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại Hội thảo Công bố Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2021 do VCCI tổ chức.

>> TRỰC TIẾP: Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021

Hôm nay (29/3), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2021 .

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam tính GDP theo quý, quý III – thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất, GDP đã tăng trưởng âm. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến phần lớn các ngành trong nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp sụt giảm cả về số doanh nghiệp, số vốn và số lao động đăng ký. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, giải thể đều tăng.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công phát biểu tại hội thảo.

Kết quả khảo sát do VCCI thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 với gần 3.000 doanh nghiệp phản hồi đang hoạt động tại 63 tỉnh thành, thành phố cho thấy 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020. Phải nói rằng, 2021 là một năm đầy thách thức của kinh tế nước ta.

Cũng theo Chủ tịch VCCI đến giai đoạn cuối năm, khi nước ta chuyển hướng trong chính sách phòng dịch từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ”, các hoạt động kinh tế đã dần khởi sắc, bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại ở hầu hết các ngành kinh tế. Có được điều này là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm sát sao của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.

Do đó, với mục tiêu, nhân diện các vấn đề pháp luật kinh doanh tác động tới cộng đồng doanh nghiệp hàng năm, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 tiếp tục điểm lại những chính sách nổi bật cũng như những vấn đề pháp lý cần thảo luận trong năm 2021.

Hội thảo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2021 do VCCI tổ chức thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2021, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, VCCI nhận thấy hoạt động xây dựng chính sách vẫn đi theo hai “dòng chảy” chính, tương tự như năm 2020 nhưng có phần mạnh mẽ hơn, đó là: “Dòng chảy” chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp; và “dòng chảy” chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Với “Dòng chảy” chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh: mạnh mẽ, nhanh chóng, kịp thời, Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở nước ta gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; tháo gỡ những “điểm nghẽn” mở đường cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh là một trong những dòng chính sách nổi bật, đậm nét của năm nay.

Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng chịu ảnh hưởng như: tiếp tục giảm phí, lệ phí khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế khác đối với những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh; miễn giảm nghĩa vụ tài chính trong một số ngành thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không…

“Nhìn chung, chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, đã nhìn “trúng” và “đúng” các đối tượng cần hỗ trợ. Điều này thể hiện sự đồng hành, quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng kinh doanh”, Chủ tịch VCCI bình luận.

Hội thảo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 được tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, theo Chủ tịch VCCI việc khai thông các “điểm nghẽn”, đảm bảo lưu thông các hoạt động kinh tế là chính sách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ chuyển hướng chính sách phòng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp phục hồi và nền kinh tế phát triển. Những số liệu thống kê của ba tháng cuối năm với những con số tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực cho thấy tác động tích cực của Nghị quyết này.

Với “dòng chảy” chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho biết, dòng chảy này vẫn đang được thúc đẩy nhưng vẫn còn nhiều thách thức về tính hiệu quả.

Theo Chủ tịch VCCI, trong mấy năm gần đây, Nhà nước luôn chú trọng hoạt động cải cách thể chế. Nhiều đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành.

“Năm nay, hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ theo chỉ đạo Nghị quyết 60/NQ-CP được thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các bộ đã đưa ra các phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản hiện hành. Môi trường đầu tư kinh doanh sẽ phần nào thuận lợi hơn từ những đề xuất cắt giảm này”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

>> Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Nhiều quy định chưa theo kịp thực tiễn

>> Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Phòng chống "bệnh... không dự liệu được tình hình"

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tiếp xúc với doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng bên cạnh ghi nhận những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Bởi, trong những đề xuất cắt giảm, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có”… rất nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.

Cùng với đó, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, hiện tại đang xuất hiện xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực – nghịch lý đang tồn tại trong hoạt động soạn chính sách.

“Mặt khác, hoạt động xây dựng chính sách năm nay, chúng tôi nhìn thấy xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Điểm đáng lưu ý, ở một số ngành, nghề trước đây được đánh giá cao về cải cách điều kiện kinh doanh, hiện nay đề xuất áp dụng lại các điều kiện kinh doanh trước đã xóa bỏ. Hoặc một số chính sách chúng tôi nhận thấy vẫn tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Điều này cho thấy nghịch lý: trong khi Chính phủ đang có nhiều đợt tổng rà soát cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thì những chính sách soạn thảo mới lại đang tạo ra những rào cản, gánh nặng mới cho doanh nghiệp. Câu hỏi về tính đồng bộ trong hoạt động cải cách thể chế cũng như tính hiệu quả trong giám sát các chính sách về kinh doanh đã được đặt ra. Đây sẽ trở thành thách thức cho hoạt động xây dựng chính sách cải thiện môi trường kinh doanh”, Chủ tịch VCCI nói.

Ngoài ra, cũng theo Chủ tịch VCCI chất lượng của thông tư, công văn – vẫn còn nhiều điểm quan ngại.

“Năm nay, chúng tôi có tiến hành đánh giá sơ bộ chất lượng của thông tư, công văn – hai loại văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Những chính sách cởi mở, cải cách ở văn bản cấp luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng sẽ khó trở thành hiện thực, nếu quy định tại thông tư, hướng dẫn thực tiễn ở công văn không truyền tải được tinh thần tiến bộ trên”, Chủ tịch VCCI thông tin thêm.

Qua phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo VCCI nhận thấy chất lượng thông tư, công văn còn có rất nhiều vấn đề đáng bàn.

“Chẳng hạn như có nhiều thông tư vẫn ban hành điều kiện kinh doanh – điều bị cấm theo Luật Đầu tư 2014, 2020; các quy định tại thông tư chưa minh bạch, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, hay các công văn ban hành quy phạm pháp luật, nội dung hướng dẫn tại công văn chưa phù hợp… Tất cả những vẫn đề này sẽ là cản trở, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Không quá khi cho rằng, chất lượng của thông tư, công văn sẽ ảnh hưởng phần nào tới tính hiệu quả của hoạt động cải cách thể chế mà Nhà nước đang tiến hành”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Với vấn đề cơ chế quản lý nào cho những hoạt động kinh tế mới, Chủ tịch VCCI cho biết chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số phát triển rất mạnh mẽ. Công nghệ số đã hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, các sản phẩm, dịch vụ mới như xe tự hành, công nghệ (medtech), công nghệ tài chính (fintech) …

“Sự xuất hiện các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới đã đặt ra thách thức cho các nhà làm luật về xác định các chính sách quản lý phù hợp. Trong thời gian qua đã có sự lúng túng từ phía cơ quan quản lý, gây không ít khó khăn và phản ứng trái chiều từ cộng đồng kinh doanh.

Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2019 đã có chủ trương “sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Chủ tịch VCCI nói.

Xuất phát từ thực tế và chủ trương từ Đảng, Nhà nước, trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm nay, VCCI đã đặt ra một số vấn đề liên quan “không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox”. Đây có thể là chìa khóa để giải quyết cho vấn đề quản lý cho các mô hình/hoạt động kinh doanh mới trong nền kinh tế.

“Thông qua Báo cáo, chúng tôi muốn cung cấp thông tin về chính sách cho các doanh nghiệp, hiệp hội, đồng thời muốn truyền tải góc nhìn của cộng đồng kinh doanh tới các nhà hoạch định chính sách. Với mong muốn, Báo cáo sẽ là thông tin hữu ích cho các nhà làm luật tham khảo khi xây dựng quy định pháp luật”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Nguồn: Tạp chí DĐDN!